Học tiếng Trung dễ như ăn kẹo

06/03/2017 14:40
Học tiếng Trung dễ hay khó, cách học tiếng Trung như thế nào sao cho hiệu quả. Trong bài viết hôm nay, Tiếng Trung Ánh Dương sẽ chia sẻ với các bạn những bí quyết học tiếng Trung xuyên suốt các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Nắm vững những kỹ năng này, các bạn sẽ thấy học tiếng Trung thật dễ như ăn kẹo

Học tiếng Trung dễ như ăn kẹo

 

Học tiếng Trung dễ như ăn kẹo

 

Học tiếng Trung dễ hay khó, cách học tiếng Trung như thế nào sao cho hiệu quả. Trong bài viết hôm nay, Tiếng Trung Ánh Dương sẽ chia sẻ với các bạn những bí quyết học tiếng Trung xuyên suốt các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Nắm vững những kỹ năng này, các bạn sẽ thấy học tiếng Trung thật dễ như ăn kẹo


Mức độ phổ biến của tiếng Trung đang ngày một lan tỏa trên toàn thế giới. Theo số liệu thống kê năm 2017, số lượng người nước ngoài học tập và sử dụng tiếng Trung trên toàn thế giới đã vượt qua con số 100 triệu, ở một số quốc gia lớn như Anh, Pháp, Mĩ đã bắt đầu phổ biến môn tiếng Trung vào trong chương trình giáo dục, một số trường học của Mĩ còn đưa tiếng Trung vào giảng dạy như một ngoại ngữ thứ hai sau tiếng mẹ đẻ. Kinh tế Trung Quốc ngày càng phát triển vươn mình ra thế giới cùng với nền văn hóa Trung Hoa truyền thống có lịch sử lâu đời đã ngày càng thu hút đông đảo số lượng người học tiếng Trung. 

 

Là một quốc gia láng giềng với Trung Quốc, nhu cầu học tập tiếng Trung của người Việt Nam lại ngày một cao, nhu cầu tìm hiểu về văn hóa, tìm kiếm cơ hội việc làm tại Trung Quốc cũng không ngừng tăng lên. Việt Nam cũng là một trong những nước có số lượng lớn người học tập và sử dụng tiếng Trung. 


Người Việt Nam học tiếng Trung thường sẽ có lợi thế hơn so với các nước khác, đặc biệt là các nước châu Mĩ, châu Âu. Xét về yếu tố địa lí thì Việt Nam là nước láng giềng với Trung Quốc do đó cơ hội giao lưu tiếp xúc với tiếng Trung của người Việt Nam rất nhiều, ngoài ra còn thêm một số yếu tố văn hóa giữa hai nước có nhiều nét tương đồng, trong đó có rất nhiều nét văn hóa truyền thống Trung Hoa được du nhập vào Việt Nam. Người Việt Nam tiếp xúc rất sớm với tiếng Trung thông qua phim ảnh, chắc hẳn đã có rất nhiều người đã từng lớn lên với các bộ phim bất hủ đi cùng năm tháng như Tây Du Ký, Hoàn Châu Cách Cách, Thiên Long Bát Bộ, Thần Điêu Đại Hiệp,... 

 

Cách phát âm của tiếng Trung cũng khá giống tiếng Việt, đều là ngôn ngữ có thanh điệu, ngoài ra trong tiếng Việt cũng có một lượng lớn các âm Hán Việt (chiếm gần 80%) đây là một thuận lợi lớn cho chúng ta khi học tiếng Trung. Hơn nữa, cách sắp xếp câu tiếng Trung và tiếng Việt rất giống nhau, đều là cấu trúc S+V+O do đó việc học ngữ pháp tiếng Trung đối với người Việt Nam không quá khó. 


Hôm nay mình sẽ chia sẻ với các bạn một số kinh nghiệm mà mình đã tích lũy được trong quá trình học tiếng Trung:

 

Trình tự đúng của việc học bất kì một ngoại ngữ nào đó là “Nghe-Nói-Đọc-Viết”. Trước tiên chúng ta hãy bắt tay vào phần nghe nhé!

 

Học nghe tiếng Trung dễ như ăn kẹo

 

Học bất cứ ngoại ngữ nào cũng vậy , việc luyện nghe luôn chiếm một vai trò vô cùng quan trọng. Việc luyện nghe giúp bạn phát triển khả năng cảm thụ ngôn ngữ một cách tự nhiên nhất,  nó giúp bạn cải thiện kĩ năng phát âm và giao tiếp rất nhanh . Khi bạn nghe nhiều dần dần trong bộ não bạn sẽ hình thành độ ‘nhạy’ đối với ngôn ngữ đó, bạn có thể cảm nhận được câu nói này có vẻ đúng câu nói kia có vẻ sai, qua việc luyện nghe hằng ngày bạn cũng tích lũy được khá nhiều vốn từ vựng giao tiếp và bạn bạn có thể áp dụng chúng một cách nhanh chóng khi nói và viết. Bạn có thể áp dụng hai cách nghe sau đây: 

 

Nghe thụ động: hãy mở một bài hát hay một đoạn băng tiếng Trung lên và sau đó bạn có thể đi làm một số công việc khác của mình như nấu cơm, dọn nhà,… Với dạng nghe này bạn không cần phải quá chú tâm hay cố vắt óc suy nghĩ để hiểu nội dung của đoạn băng mà hãy cứ thả lỏng, để cho ngôn ngữ “ ngấm dần” vào trong não bộ của bạn. Hãy tưởng tượng bạn học một ngoại ngữ mới cũng giống như đứa trẻ mới ra đời, và nó đang tập thích nghi với một môi trường mới, và ngôn ngữ mà nó thường xuyên được tiếp xúc sẽ dần dà sẽ hình thành cho nó sự cảm thu cũng như sự “ nhạy cảm” với ngôn ngữ đó, trên cơ sở đó nó sẽ học nói nhanh hơn. Vì vậy việc nghe thụ động không bao giờ là thừa thãi các bạn nhé, đó chính là quá trình các bạn tiếp nhận tiếng Trung cũng như giúp não bộ sản sinh phản xạ đối với nó. Các bạn nên bắt đầu từ các bài hát hoặc các đoạn băng ngắn, đơn giản thôi nhé.

 

Nghe chủ động: Khi não bộ của các bạn đã hình thành phản xạ, các bạn nên tiến hành nghe chủ động. Chọn một đoạn băng ngắn vừa sức với khả năng của bạn để nghe, trong khi nghe các bạn cần tập trung và cố gắng hiểu xem đoạn băng đó có nội dung là gì. Môi ngày hãy dành ra 15-30 phút để nghe như vậy. Sau khi nghe bạn hãy tổng hợp lại những từ mới và mẫu câu đã nghe được vào một quyển sổ tay nhỏ để tiện ghi nhớ và tra cứu. Nội dung nghe cần phải đa dạng và tăng dần độ khó.

 

Nếu như bạn cảm thấy việc nghe khô khan và nhàm chán thì bạn hãy chọn cách nghe vừa học vừa giải trí như là xem phim, xem các show truyền hình  của Trung Quốc, đặc biệt nếu như bạn thần tượng một diễn viên hay ca sĩ nào đó của Trung Quốc thì bạn hãy tìm các video quảng cáo, phỏng vấn hay các show truyền hình hoặc một bộ phim nào đó có thần tượng của bạn tham gia, chắc chắn bạn sẽ không còn cảm thấy nhàm chán nữa đâu. Ở các chương trình thực tế, ngôn ngữ và ngữ điệu được sử dụng đều rất gần với đời sống thường ngày, qua đó bạn cũng có thể học được một số thói quen sử dụng từ của người Trung Quốc và qua đó các bạn sẽ có được một lỗi diễn đạt “chuẩn Trung Quốc”.

 

Nói tiếng Trung dễ như ăn kẹo

 

Tiếp theo sẽ là phần Nói: Làm thế nào để luyện nói nhanh và chuẩn? Để học nói tiếng Trung thật nhanh và chuẩn thì mình chia sẻ cho các bạn một số phương pháp mình đã áp dụng khá hiệu quả. Đó là:

- Nói tiếng Trung mọi lúc mọi nơi: như vậy sẽ giúp bạn tư duy và phản xạ tiếng Trung nhanh hơn. Hãy tập nói tiếng Trung cùng với bạn bè của bạn ở bất cứ nơi đâu với các chủ đề khác nhau. Thường xuyên tham gia các câu lạc hộ nói tiếng Trung để giao lưu kết bạn, rèn luyện khả năng nói tiếng Trung cũng như sự tự tin khi đứng trước đám đông của bạn. Nếu như có thể tốt nhất các bạn nên có ít nhất 1 người bạn người Trung Quốc để cùng nhau học tập, để bạn ấy có thể chỉnh sửa lỗi sai cho bạn, như vậy bạn sẽ tiến bộ rất nhanh. Bạn có thể tìm kiếm bạn bè người Trung Quốc qua việc sử dụng tính năng quét xung quanh của các ứng dụng chat và mạng xã hội Wechat, QQ, Weibo,… Ngoài ra các bạn không nên tự ti về khả năng của mình, nếu bạn cứ rụt rè tự ti không chịu nói, không chịu phát biểu cảm nghĩ ý kiến của mình thì bạn sẽ không thể nào tiến bộ được. Như các bạn đã biết học ngoại ngữ thì phải nói nhiều, càng nhiều càng tốt. Nếu như bạn cứ tiếp tục ngại ngùng không chịu thoát ra khỏi vỏ bọc đó thì bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội và tài năng của bạn cũng sẽ bị thui chột.

- Tập suy nghĩ tư duy bằng tiếng Trung: Tuy kết cách sắp xêp câu của Tiếng Trung và tiếng Việt khá giống nhau, đều là S+V+O nhưng thực tế thói quen sử dụng từ cũng như ngữ pháp của tiếng Trung và tiếng Việt không giống nhau, và nếu như bạn suy nghĩ bằng tiếng Việt thì bạn sẽ mất một khoảng thời gian để đối chiếu nó sang tiếng Trung, như vậy sẽ mất thời gian và làm mất đi phản xạ nhanh trong giao tiếp của bạn. Vì vậy ngay từ đầu bạn nên tập suy nghĩ tư duy bằng tiếng Trung, như vậy tiếng Trung của bạn mới “chuẩn” được. 

- Đắm mình trong tiếng Trung ,rèn luyện khả năng diễn đạt và lưu loát: Để làm được điều này bạn cần phải nghe thật nhiều và phải luyện phát âm thật chuẩn ngay từ đầu. Về phần nghe như thế nào thì mình đã giới thiệu ở phần trên. Còn về phần luyện phát âm thật chuẩn ngay từ đầu cũng là một bước vô cùng quan trọng, là chìa khóa vàng để bạn “ nói tiếng Trung như người bản địa”, tuy nhiên rất nhiều người lại bỏ qua bước này, khi mới bắt đầu học việc phát âm chuẩn giúp bạn nghe một cách chuẩn xác hơn, ngoài ra khi bạn phát âm chuẩn bạn sẽ thấy tự tin hơn và tạo sức hút đối với người nghe hơn, nếu như bạn phát âm không chuẩn, khi giao tiếp bạn có thể sẽ gặp khó khăn và đôi lúc có thể sẽ gây khó chịu cho người nghe.

- Liên tục bổ sung từ mới: việc bổ sung nhiều từ mới sẽ làm phong phú nội dung câu nói mà bạn sử dụng, phong phú chủ đề nói của bạn. Nhiều khi bạn có rất nhiều ý tưởng hay nhưng lại không biết diễn tả nó như thế nào, đừng để vốn từ vựng hạn hẹp làm mất đi cơ hội thể hiện tài năng của bạn.

 

Đọc tiếng Trung dễ như ăn kẹo

 

Để học tốt phần đọc hiểu này thì việc tích lũy vốn từ vựng và là vô cùng quan trọng. Bạn có thể tích lũy từ vựng bằng nhiều cách, trong quá trình học cũng như trong các tình huống giao tiếp hằng ngày các bạn cần phải liên tục bổ sung, cập nhật thêm vốn từ vựng cho mình. Ngoài ra bạn cũng nên tìm đọc những mẩu truyện hoặc mẩu tin tức ngắn theo từng chủ đề khác nhau  để đọc ví dụ như thời tiết, giáo dục, du lịch,…. Thường thì phần đọc này sẽ khiến các bạn cảm thấy khô khan nhàm chán, vậy bạn có thể bắt đầu bằng việc tìm đọc các bộ truyện ngôn tình hoặc truyện tranh mà bạn yêu thích hoặc đã đọc qua bằng tiếng Việt, hãy thử cảm giác đọc các bộ ngôn tình kinh điển bằng tiếng Trung xem thế nào nhé! Các bạn nên có một quyển sổ riêng để tổng hợp từ vựng và các mẫu câu. Hãy phân loại từ vựng theo các chủ đề các nhau để tiện thống kê và tra cứu nhé. Tuy nhiên các bạn cũng đừng chỉ chăm chăm học mỗi từ vựng không thôi mà hãy học cả cách sử dụng nó nữa nhé, với mỗi một từ mới học được các bạn không chỉ học được nghĩa của nó như thế nào, viết ra làm sao mà các bạn còn cần phải đem nó “ốp” được vào trong câu, đừng để nó trở thành “từ chết”. Ngoài việc tích lũy thêm vốn từ mới bạn cũng cần phải ôn lại vốn từ cũ đã có của mình, có những từ tưởng chừng như đã rất quen thuộc nhưng khi bạn quá lâu không xem lại hoặc ít nhìn thấy nó có thể bạn sẽ quên.

 

Viết tiếng Trung dễ như ăn kẹo

 

Có rất nhiều người cho rằng đây là phần khó nhất trong tiếng Trung, thực tế có rất nhiều người nghe nói rất tốt nhưng lại không thể viết( một số trong số họ vẫn có thể đọc được, họ có thể nhận được mặt chữ nhưng không thể tự mình viết ra được), có nhiều người khi mới bắt đầu học tiếng Trung sẽ rất dễ bị nản bởi chữ Hán, vì chúng ta đã quen với chữ La Tinh mà chữ Hán lại là chữ tượng hình- một loại chữ khá là khó, vì nó nhiều nét và khá rắc rối. Vậy làm thế nào để ghi nhớ chữ Hán một cách dễ dàng? Đầu tiên bạn cần phải nhớ các quy tắc viết tiếng Trung. Ngoài ra ngoài chăm chỉ viết nhiều và đọc nhiều là cách hiệu quả nhất để viết thạo chữ Hán. Hãy tập viết chữ Hán mỗi ngày, viết nhiều ở đây không phải là bạn cứ cắm đầu đi chép đi chép lại chữ Hán đó giống như hình thức chép phạt mà hãy dùng chữ Hán mà bạn mới học được đó để đặt câu như vậy bạn sẽ có ấn tượng hơn với nó, hãy tạo thói quen viết nhật kí mỗi ngày bằng chữ Hán (tất nhiên là bạn phải tự viết bằng tay) như vậy vừa nhớ được chữ lâu lại vừa luyện được kĩ năng viết câu cú, đoạn văn. Ngoài ra tốt nhất có thể thì bạn hãy học thuộc 214 bộ thủ, nó sẽ giúp ích phần nào cho các bạn trong việc ghi nhớ chữ Hán và tra từ điển. Mỗi chữ Hán đều có ý nghĩa riêng của nó, việc học chữ Hán bằng bộ thủ sẽ khiến bạn hiểu về ý nghĩa của chữ Hán, sẽ nhớ lâu hơn và sẽ cảm thấy chữ Hán rất thú vị. Hoặc bạn có thể tự nghĩ ra vè hoặc mẹo của riêng mình để nhớ chữ, ví dụ như chữ 德 ( đức) thì bạn có thể nhớ nó bằng cách học câu vè: Chim chích mà đậu cành tre. Thập trên tứ dưới nhất đè chữ tâm. Hoặc bạn có thể học chữ Hán qua flashcard cũng rất hiệu quả, ngoài ra còn có thể học qua các trò chơi đoán chữ, ghép chữ , đố chữ,... Bên cạnh việc viết nhiều các bạn cũng nên tìm đọc những mẩu tin ngắn, truyện, tiểu thuyết,.. bất cứ thông tin gì mà bạn thấy hứng thú, việc đọc nhiều giúp bạn nâng cao trình độ đọc hiểu, hoặc ít nhất đó là khả năng ghi nhớ nhận mặt chữ.

 

Tổng kết lại, tất cả các phần Nghe, Nói, Đọc, Viết đều rất quan trọng và liên quan mật thiết đến nhau. Vì thế các bạn không nên xem nhẹ, xao nhãng bất cứ phần nào. Hi vọng những chia sẻ phía trên sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình học tập. Hãy sử dụng linh hoạt các phương pháp học tập, điều chỉnh sao cho phù hợp với mình, làm tăng mức độ tập trung, hứng thú trong học tập sẽ làm bạn cảm thấy học tiếng Trung dễ như ăn kẹo. Chúc các bạn học tốt!

| Trung tâm Tiếng Trung Ánh Dương