Giá trị nhân văn trong quan niệm về hiếu đạo của Nho giáo nguyên thủy

23/07/2017 14:30
Thông thường, khi nghiên cứu các luận thuyết của Nho giáo, theo lối phân chia truyền thống, Nho giáo từ Khổng Tử đến Mạnh Tử, Tuân Tử được gọi là Nho giáo nguyên thuỷ

GIÁ TRỊ NHÂN VĂN TRONG QUAN NIỆM

VỀ HIẾU ĐẠO CỦA NHO GIÁO NGUYÊN THỦY*

 

                                                                                             Triệu Quang Minh*

                                                                                                Trần Thị Lan Hương**

1. Thông thường, khi nghiên cứu các luận thuyết của Nho giáo, theo lối phân chia truyền thống, Nho giáo từ Khổng Tử đến Mạnh Tử, Tuân Tử được gọi là Nho giáo nguyên thuỷ để phân biệt với các biệt phái của Nho giáo về sau như Hán Nho, Tống Nho, Minh Nho

Bản thân Nho giáo là một hệ thống có nhiều tầng bậc ý nghĩa, cho nên cùng một vấn đề có thể có nhiều cách lý giải khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Nội dung của đạo hiếu trong Nho giáo nguyên thủy cũng có nội hàm và ngoại diên mở, nó biến dịch tùy vào từng điều kiện hoàn cảnh cụ thể. Cho nên, tuy hiếu đạo là vấn đề được đề cập trong hầu khắp các sách kinh điển của Nho giáo nhưng không thấy xuất hiện một định nghĩa chung, thống nhất về hiếu. Thường thì tuỳ theo trường hợp cụ thể mà nội dung của hiếu được giảng giải khác nhau. Tựu trung lại, hiếu trong quan niệm của Nho giáo nguyên thủy có những nội dung cơ bản sau:

Có thể bạn quan tâm: Giới thiệu về Tam Tự Kinh

Thứ nhất, hiếu là phải nuôi dưỡng, kính trọng cha mẹ

Trong phạm vi đạo đức, cả Khổng Tử và các học trò của ông về sau đều khẳng định trách nhiệm của người làm con là phải phụng dưỡng cha mẹ nhưng nuôi mà không kính thì theo Khổng Tử không phải là báo hiếu. Cho nên khi Tử Du hỏi về đạo hiếu, Khổng Tử nói: “Ngày nay, thấy ai có thể nuôi dưỡng được cha mẹ, thì người ta gọi là có hiếu. Nhưng đến như chó, ngựa thì người ta cũng nuôi được vậy. Cho nên nếu không có lòng hiếu kính cha mẹ trong khi nuôi dưỡng, thì nuôi cha mẹ và nuôi chó ngựa có khác gì nhau?”[1]. Cách so sánh có phần thẳng thắn này của Khổng Tử không những không làm giảm ý nghĩa của công việc nuôi dưỡng, kính trọng cha mẹ mà còn làm cho việc thực hành đạo hiếu theo nghĩa này trở nên rất thực. Không những thế, trong quan niệm của Khổng Tử, mỗi người con đều phải thấy được rằng việc nuôi dưỡng, kính trọng cha mẹ không phải và không thể là một hành động nhất thời, bề ngoài mà đó là việc tự giác thực hiện một quá trình lâu dài. Về điểm này, khi Tử Hạ hỏi về đạo hiếu, Khổng Tử nói: “Điều khó nhất là con cái đối với cha mẹ có giữ được vẻ hoà vui mãi hay không. Chứ còn như khi có việc cần làm, có gì ngon thì mời cha mẹ ăn, đây chắc gì đã là có hiếu?”[2] Như vậy, có thể thấy, với xuất phát điểm mang yếu tố duy vật nhưng không hề siêu hình, cực đoan, Khổng Tử yêu cầu người làm con vốn phải có tâm hiếu để thực hành đạo hiếu như một lẽ tất nhiên trong suốt cuộc đời. Đáng tiếc những thế hệ nhà Nho về sau ít người chú ý đến yêu cầu này mà thường nặng về thực hành lễ nghi đối với cha mẹ theo những quy tắc, chuẩn mực đã có.

 Mạnh Tử tiếp tục phát triển hàm ý của Khổng Tử, trong luận thuyết của mình ông đưa ra năm điều coi là bất hiếu, cụ thể: tay chân không chịu cử động mà làm bất cứ việc gì để chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ khi già yếu; ham mê cờ bạc, rượu chè mà quên việc chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ khi già yếu; chạy theo của cải, chỉ lo cho vợ con mà quên việc chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ; thích đàn hát, hám sắc đẹp, làm những việc để cha mẹ bị nhục nhã; thích đánh nhau, tranh đấu bạo tợn khiến cha mẹ bị tổn thất, nguy hại[3]. Mặc dù không trực tiếp nhấn mạnh vế “kính” của vấn đề song Mạnh Tử cũng khẳng định: “Cái chỗ chí của người con không gì lớn bằng làm cho cha mẹ được tôn trọng, không gì lớn bằng đem cả thiên hạ ra mà phụng dưỡng cha mẹ”[4].Về sau,Tuân Tử thẳng thắn nhấn mạnh: cầm thú có cha con mà không có tình phụ tử, có giống đực giống cái mà không có nghĩa lứa đôi. Cho nên đạo làm người là phải biết biện biệt[5]. Hàm ý của Tuân Tử trong vấn đề này hoàn toàn thống nhất với Khổng Tử và Mạnh Tử. 

Thứ hai, phải giữ gìn thân thể  mình để nối được chí hướng của ông cha

Nội dung này xuất phát từ sự sùng kính đối với cái đức sinh sôi, tiếp nối và coi trọng cái gốc của người Trung Hoa. Theo đó, sinh mệnh của người con là do cha mẹ trao cho. Người con có trách nhiệm quý trọng bản thân mình và tiếp nối quá trình sinh thành mà ông cha đã tạo dựng. Sách Hiếu kinh dạy rằng, từ hình hài đến tóc, da của người con đều là của mẹ cha cho nên người con phải có trách nhiệm giữ gìn thân thể mình. Sau này khi phát triển quan điểm của Khổng Tử, Mạnh Tử cũng cho rằng: Trong các việc cần phụng sự thì phụng sự thì việc phụng sự cha mẹ là quan trọng nhất; Trong những việc phải giữ gìn thì việc giữ gìn thân thể của mình là quan trọng nhất[6].

Quan niệm của Nho giáo nguyên thủy coi việc giữ gìn thân thể là một nội dung của hiếu đạo mang yếu tố duy vật và cho thấy tính biện chứng sâu sắc. Theo chuỗi biện chứng vô cùng ấy, xuất phát điểm của tồn tại  cũng chính là tồn tại trong quá trình sinh thành. Đạo hiếu quy định người con không chỉ phải quý trọng sinh mệnh của mình mà còn có trách nhiệm tiếp nối sinh mệnh của tổ tiên. Về sau hàm ý tiếp nối sinh mệnh bằng cách sinh con nối dõi được tách ra thành một nội dung độc lập. Do đó, giữ gìn thân thể mình được xem là gốc của sinh thành theo nghĩa duy trì tồn tại riêng để nối tiếp chí hướng sự nghiệp chung của tổ tiên. Cho nên, Khổng Tử dạy rằng phận làm con lúc cha còn sống phải xem cái chí hướng và cố gắng hoàn thành sự nghiệp  cha ông. Khi cha mất đi, có định thay đổi gì cũng nhất định phải đợi hết ba năm tang chế, trước là tỏ lòng hiếu kính với cha, sau là có thời gian để định hình sự thay đổi cho cẩn thận. Nghĩa là, làm cho cha mình từ làm cha của một người thường đến được làm cha của quan to thậm chí cha của thiên tử là cách báo hiếu trọn vẹn nhất. Một mặt, quan niệm này của Nho giáo sơ kỳ có tác dụng khuyến khích mọi người ra sức học tập, phấn đấu để được dương danh hiển thân, nhưng mặt khác, nó tạo ra xu hướng trọng chức tước, quyền lực mà ít gắn vào bản chất của việc thực hành đạo hiếu theo đúng nghĩa.

Thứ ba, phải can ngăn cha mẹ khi họ sai lầm.

Theo các nhà Nho nguyên thủy, làm con thì phải vâng lời cha mẹ nhưng không yêu cầu thực hành hiếu một cách thụ động, cứng nhắc, một chiều. Cũng giống như trung với vua phải biết nghe theo vua, vụ dẫn vua đi theo nhân chính, người con có hiếu phải biết vâng lời cha, che lỗi cho cha nhưng cũng phải biết can ngăn cha để tránh sai lầm. Điều đó được coi là hợp đạo. Sách Hiếu kinh nhắc nhở: “Tòng phụ chi lệnh, hựu an đắc vi hiếu hồ”[7]. Nghĩa là con theo cha chưa chắc đã là hiếu. Tư tưởng Khổng Tử ở đây thể hiện tính biện chứng, linh động, mềm dẻo trong việc đối nhân xử thế. Theo đó, người con hiếu thảo phải tuỳ hoàn cảnh mà thực hiện đạo hiếu theo các quy tắc, chuẩn mực đã có chứ không phải nhất nhất vâng theo lời cha.

Tuân Tử về sau giải thích kỹ hơn ý của Khổng Tử về các trường hợp con không theo mệnh cha mà vẫn hợp đạo: “Tòng mệnh tắc thân nguy, bất tòng mệnh tắc thân an, hiếu tử bất tòng mệnh nãi chung; tòng mệnh tắc thân nhục, bất tòng mệnh tắc thân vinh, hiểu tử bất tòng mệnh nãi nghĩa; tòng mệnh tắc cầm thú, bất tòng mệnh tắc tu sức, hiếu tử bất tòng mệnh nãi kính”[8]. Nghĩa là vâng lệnh thì người thân nguy, không vâng mệnh thì người thân yên; Vâng mệnh thì người thân nhục, không vâng mệnh thì người thân vinh; Vâng mệnh thì không khác gì loài cầm thú, không vâng mệnh thì hợp lễ giáo. Vì thế nên tòng mà bất tòng là bất hiếu nhưng không nên tòng mà tòng thì dẫn đến bất chung (không đúng). ..Mặc dù đây là quan điểm tích cực, có tính hai chiều, mềm dẻo và bao hàm yếu tố dân chủ của Nho giáo sơ kỳ nhưng có thể thấy khi được triển khai trên thực tế thì tính phục tùng của người con đối với cha mẹ vẫn được yêu cầu nặng hơn. Chẳng hạn, khi cha sai thì phải hết mực khuyên can nhưng nếu khuyên không được thì phải kính mà không được trái, nếu cha mẹ có giận mà bắt chịu khổ sở cũng không được oán thán. Đây cũng có thể coi là một trong những nguyên nhân khiến cho Nho giáo thường bị nhìn nhận với tính gia trưởng, bảo thủ, một chiều nhiều hơn là tính tiến bộ, linh hoạt, biện chứng trong việc xử lý các mối quan hệ xã hội.

Thứ tư, khi cha mẹ qua đời phải thực tâm thương xót, tế tử theo lễ, không cẩu thả, không thái quá.

Khổng Tử coi việc con cháu tiễn cha mẹ sang thế giới khác là cử chỉ hiếu thuận, nhưng  cũng nhắc nhở  rằng không được làm cho mọi việc trở nên thái quá, bất cập chẳng hạn:  ăn mặc đẹp đẽ, loè loẹt; khóc lóc nỉ non; lựa điều văn vẻ để nói... cũng không vì thương cha mẹ mất mà không coi trọng bản thân, bỏ ăn, bỏ ngủ ba ngày. Quan niệm này thống nhất với một trong những đặc điểm chung của triết thuyết Trung Hoa cổ đại - coi trọng sự cân bằng, hài hoà, phản đối mọi sự phá cách, vượt ngưỡng.

 Mạnh Tử về sau phát triển quan điểm của Khổng Tử và nhấn mạnh việc phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ còn sống chưa đáng kể là việc lớn lao của kẻ làm con. Mai táng cha mẹ trong cơn tử biệt mới là việc trọng đại hơn hết của người con có hiếu. Giống Mạnh Tử, Tuân Tử cho rằng tế tự là tỏ cái tình ý, tưởng nhớ, hâm mộ cái lòng trung tín, kính ái rất mực, là nghi lễ giãi bày lòng trung thành, cung kính một cách trang trọng nhất. Cho nên cần thờ người chết như thờ người sống, suy từ lòng thờ người sống mà tống táng người chết, không coi chết khác sống, không coi mất khác còn, cho sự chấm dứt với bắt đầu là một. Đó chính là cái nghi thức để hoàn thành đạo làm người. Để tỏ cái tình của người sống đối với người chết, cần làm cho sự chết thêm phần trang trọng.

Như vậy, nếu ở Khổng Tử vấn đề đưa tiễn người đã khuất cũng là một trong những cách thể hiện đạo hiếu thì các học trò của Khổng Tử lại làm cho việc “thờ thác” thành rườm rà, cứng nhắc, thậm chí còn vượt quá giới hạn ba năm khiến cho việc thực hành đạo hiếu theo nghĩa này trở thành quy định khắt khe đến khắc nghiệt gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc.

Thực hành đạo hiếu theo quan điểm của Nho giáo nguyên thủy thay đổi tuỳ nơi tuỳ lúc song luôn được đặt ở vị trí quan trọng nhất. Tuy nhiên, chữ hiếu chủ yếu nói về đạo hiếu của đấng nam nhi, mà không phải đạo hiếu chung cho tất cả mọi người; hiếu chủ yếu là với cha chứ không phải với cả mẹ thành ra quan điểm của Nho giáo nguyên thủy về hiếu vẫn thể hiện nhiều tính đẳng cấp và thái độ trọng nam khinh nữ. Không những thế, theo quan niệm của họ thì “bất hiếu có ba điều, trong đó không có người nối dõi là điều bất hiếu lớn nhất”[9]. Những nội dung này còn tồn tại và ảnh hưởng mãi về sau, nó trở thành nguyên nhân căn bản làm giảm tính tích cực, nhân đạo của đạo hiếu trong Nho giáo nguyên thủy. Nhưng nếu chỉ vì thế mà gạt bỏ toàn bộ tính nhân văn trong quan niệm về hiếu của Nho giáo nguyên thủy và đem đồng nhất nó với các biệt phái của Nho giáo về sau thì thật không chính xác.

2. Quan niệm về đạo hiếu và thực hành đạo hiếu luôn là vấn đề của mọi xã hội, là chân lý để nhận diện bản chất con người. Mỗi cá nhân  không thể tách ra khỏi gốc rễ đã sinh thành, giáo dưỡng mình và phải thực hành đạo hiếu như một lẽ tất yếu, tự nhiên. Đó là lý do vì sao có thể sinh thời Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử cũng chưa từng đặt cho luận thuyết của mình những nhiệm vụ để đạt tới cái gọi là chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo và bản thân Nho giáo cũng thường chỉ được nhấn mạnh ở khía cạnh là công cụ của các triều đại để mị dân và trị dân. Nhưng với xuất phát điểm mong muốn dùng “đức trị” xây dựng một xã hội đại đồng, những nội dung hiếu đạo trong Nho giáo nguyên thủy tự nó vẫn toát lên một tinh thần nhân văn vì con người.

Giá trị nhân văn thể hiện ngay trong các quan niệm mang tính biện chứng và sớm chứa đựng các yếu tố dân chủ sơ khai của Nho giáo nguyên thủy trong mối quan hệ đối với các bậc sinh thành. Chẳng hạn như  yêu cầu người con phải trân trọng, gìn giữ cơ thể mình, nối tiếp chí hướng cha ông coi đó cũng là báo hiếu. Rõ ràng hiếu theo nghĩa này khác hẳn với những câu chuyện “ngu hiếu” như  xẻo thịt đùi, khóc măng, nằm băng...mà hậu Nho về sau thường viện dẫn ra để làm tấm gương hiếu. Bên cạnh đó quan điểm này còn thể hiện tính nhân văn, tấm lòng của cha mẹ đối với con cái bởi vì theo Khổng Tử: “Làm cha mẹ chỉ lo sợ con mang bệnh tật mà thôi”[10]. Cha mẹ không yêu cầu người con thực hành đạo hiếu phải hy sinh tấm thân mình, càng không cho phép người con tự coi rẻ bản thân. Thân thể là cha mẹ cho mình, nâng niu chăm bẵm từ tấm bé, người con phải giữ gìn thân thể của mình, đó là tiền đề không thể thiếu để người con tồn tại và thực hiện đạo hiếu. Nhìn rộng ra xã hội hiện đại, với tình trạng trốn học, đua xe, nghiện hút, nghiện game, nhảy vũ trường thâu đêmthì thấy nếu lấy khung cơ chế hóa các mối quan hệ của Nho giáo mà soi sang thì rất nhiều người đã trở thành bất hiếu. 

Việc gắn liền hai nội dung “nuôi dưỡng” và “kính trọng” cha mẹ cũng cho thấy quan niệm của Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử theo một nghĩa nhất định, muốn nhấn mạnh đến “tính nhân” để phân biệt ranh giới, đẳng cấp cũng như sự gắn liền giữa hai yếu tố: con và người. Nếu báo hiếu cha mẹ chỉ dừng ở nuôi dưỡng với tôn chỉ cốt cho ăn no, ăn ngon thì mới chỉ chạm tới đường biên của nghĩa vụ, chưa vượt hẳn được để đến với bản chất người đích thực. Tất nhiên, kính không chỉ dừng ở kính cha mẹ mà được hiểu là kính nhường bậc huynh trưởng, tức người lớn tuổi hơn mình song chỉ dừng riêng ở nội dung gắn kết giữa nuôi dưỡng và kính trọng cha mẹ, Khổng Tử có lẽ đã khiến không ít những người làm con của các thế hệ phải suy ngẫm lại mình. 

 

* Tạp chí Triết học

*Học viện Chính trị khu vực I

** Đại học Mỏ - Địa chất

[1] Trần Trọng Sâm, Kiều Bách Vũ Thuận (biên dịch): Tứ thư, Nxb.Quân đội nhân dân, Hà Nộ.2003, tr127

[2] Sđd, tr.128.

[3] Xem: Sđd, tr.689.

[4] Sdd, tr.710.

[5] Nguyễn Hiến Lê: Tuân Tử, Nxb Văn hóa, Hà Nội.1994, tr236.

[6] Xem: Sđd, tr.668.

[7] Đoàn Trung Còn, Huyền Mặc Đạo Nhơn (dịch): Hiếu kinh, Nxb.Tổng hợp Đồng Nai.2003, tr.78.

[8] Nguyễn Hiến Lê: Tuân Tử, Nxb. Văn Hoá, Hà Nội.1994, tr.159.

[9] Trần Trọng Sâm, Kiều Bách Vũ Thuận (biên dịch): Tứ thư, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.2003, tr670.

[10] Sđd, tr.127.

| Trung tâm Tiếng Trung Ánh Dương