Những điều cần lưu ý khi đến nhà người Trung Quốc làm khách
Người Trung Quốc ít khi mời khách đến nhà mình ăn cơm, nếu như bạn được mời tới nhà một người Trung Quốc ăn cơm cùng gia đình họ, chứng tỏ người đó coi trọng và quý mến bạn. Bạn đang lo lắng vì lần đầu tiên đến nhà một người Trung Quốc làm khách và bạn không biết phải chú ý những lễ nghi gì, nên làm điều gì và nên tránh những điều gì? Vậy thì hôm nay tiếng Trung Ánh Dương sẽ mách bạn biết rốt cuộc thì tới nhà người Trung Quốc làm khách cần chú ý những điều gì nhé !
1, Đến đúng giờ hẹn là tốt nhất, hoặc có thể đến muộn từ 5- 10 phút, đừng đến quá muộn để chủ nhà phải đợi bạn như vậy rất mất lịch sự, cũng đừng đến quá sớm vì có thể chủ nhà chưa kịp chuẩn bị hoặc họ còn có việc gì khác.
2, Ở Trung Quốc, khi tới làm khách chủ yếu thường đem theo trái cây, đặc sản hoặc rượu đại loại vậy đến tặng chủ nhà. Bình thường không đem theo hoa, nếu có tặng hoa thì tránh mang hoa màu trắng sẽ gợi sự tang tóc. Nếu như nhà chủ nhà có trẻ con thì nên mang đến một ít socola và kẹo làm quà. Vào những dịp đặc biệt cần phải đem theo “hồng bao” ví dụ như sinh nhật con cái chủ nhà. Nên chú ý quà không cần phải quá quý giá, nếu món quà quá quý sẽ làm cho chủ nhà cảm thấy so với món quà thì cơm rượu mình chuẩn bị có phần đạm bạc và kém phần.
Xem thêm: Tặng quà trong văn hóa Trung Quốc và 10 món quà không nên tặng ở Trung Quốc
3, Khi đến nhà gặp người nhà của chủ nhà, dù có quen hay không hoặc không biết phải xưng hô thế nào thì bạn vẫn nên mỉm cười đưa tay ra chào chào một câu “你好” để thể hiện sự thân thiện, lịch sự.
4, Người Trung Quốc rất thích uống trà nên khi tới nhà người Trung Quốc, trước tiên bạn sẽ được mời uống trà, khi bạn uống hết, chén trà lập tức sẽ được rót đầy thêm, nếu như bạn không thích uống có thể trực tiếp nói với chủ nhà, không cần phải miễn cưỡng bản thân.
5,Nếu như không phải bạn bè quá thân thiết thì bạn nên ở trong phòng khách, không tùy tiện đi lại lung tung, không tùy tiện đi vào phòng riêng của người khác, đừng ngồi lên giường của người khác và cũng đừng tùy tiện đụng vào hay di chuyển đồ đạc trong nhà. Khi bạn tới nhà, chủ nhà thường sẽ hiếu khách mời bạn đi thăm quan nhà họ, bạn nên lịch sự khen nhà họ sạch đẹp, gọn gàng như vậy sẽ làm cho chủ nhà cảm thấy vui vẻ.
6, Những điều cần chú ý khi ngồi vào bàn ăn :
- Khi chủ nhà chỉ định vị trí của bạn và mời bạn ngồi thì lúc ấy bạn mới ngồi xuống, không tùy tiện ngồi, nếu như có trưởng bối thì phải đợi trưởng bối ngồi xuống trước rồi mới ngồi.
- Khi ngồi vào bàn, không lập tức động đũa, cũng đừng đứng dậy đi lại, nếu như có việc gì thì nên đánh tiếng để chủ nhà biết. Trong lúc ăn cơm tốt nhất không nên nghe điện thoại. Để điện thoại ở chế độ im lặng, nếu ăn cơm mà bạn cứ nghe điện thoại liên tục như vậy có chút không tôn trọng chủ nhà.
- Không cắm đũa vào bát cơm vì chỉ khi làm cơm cúng người chết người ta mới cắm đũa vào bát cơm như vậy, không nghịch đũa hay dùng đũa khua, ngoáy lung tung hoặc gõ đũa vào bàn vào bát, như vậy rất thất lễ.
- Thức ăn thường được bày trong các đĩa, tô lớn và thường có đũa và muỗng dùng chung. Nếu như không có hoặc bạn không biết là có đũa và muỗng dùng chung hay không thì bạn hãy đợi một lát, xem người khác làm thế nào thì làm theo thế đó.
- Có lúc người Trung Quốc sẽ rất nhiệt tình giúp bạn gắp đầy thức ăn bỏ vào bát cho bạn. Thức ăn gắp đến bát mà không ăn thì có phần thất lễ nhưng nếu như có những thứ bạn thật sự không thể ăn được thì bạn có thể ăn những cái có thể ăn được trước, sau đó bỏ lại những cái không muốn ăn trong bát là được. Bình thường nếu trong bát chỉ còn lại ít thức ăn thì chủ nhà sẽ nghĩ rằng bạn đã no rồi.
- Khi nâng rượu cạn ly thì rượu trong cốc của vãn bối bao giờ cũng phải ít hơn trưởng bối ngồi ở đó, và khi nâng cốc thì tay của người vãn bối phải nâng thấp hơn tầm tay người trưởng bối, điều này thể hiện sự tôn trọng đối với trưởng bối.
- Khi ăn xong bạn nên chủ động giúp chủ nhà dọn dẹp bát đũa, như vậy sẽ gây được ấn tượng tốt cho mọi người, nếu như bạn ăn xong và không làm gì cả, cứ thế phủi mông đi về thì chắc chắn sẽ không ai thích bạn đâu.
7, Trước khi ra về, cảm ơn chủ nhà đã tiếp đãi. Nếu như chủ nhà tiễn ra tận cổng, sau khi bạn đi được vài bước mà chủ nhà vẫn chưa quay vào nhà thì bạn nên quay đầu lại chào một tiếng “ được rồi, tôi về đây ! ” , nếu như bạn cứ thế mà đi thẳng không thèm quay đầu lại như vậy có phần hơi thất lễ.
Xem thêm: Các câu khẩu ngữ chia tay và chào tạm biệt
Trên đây là một vài lễ nghi cơ bản mà bạn cần nắm được trước khi đến nhà một người bạn Trung Quốc làm khách. Tất nhiên họ sẽ rất hiếu khách và bỏ qua những sai lầm của bạn, nhưng bạn vẫn nên biết những điều này để tránh làm đôi bên mất vui nhé !
Tiếng Trung Ánh Dương