Cao sơn lưu thủy, tri kỷ khó tìm
Trong cuộc sống của chúng ta, còn gì đáng quý hơn có một người bạn tri âm tri kỷ, thấu hiểu được chúng ta. Trong tiếng Trung, có một câu thành ngữ về tình bạn tri âm tri kỷ, đó chính là “Cao sơn lưu thủy, tri kỷ khó tìm”, câu thành ngữ gắn liền với điển tích về Bá Nha Tử Kỳ
Thành ngữ “Cao sơn lưu thủy, tri kỷ khó tìm” (高山流水,知己难逢 / Gāoshānliúshuǐ, zhījǐ nán féng) bắt nguồn từ khúc “Cao sơn Lưu Thủy (高山流水 / Gāoshānliúshuǐ) – một trong 10 bản nhạc lừng danh thuộc Thập đại danh khúc cổ đại Trung Hoa. “Cao sơn lưu thủy” gồm hai khúc: Cao sơn / 高山 (núi cao) và Lưu thủy / 流水 (nước chảy).
Tương truyền, thời Xuân thu, nước Sở có một nhà soạn nhạc nổi tiếng là Du Bá Nha (俞伯牙). Bá Nha từ nhỏ đã rất thông minh tài năng, lại vô cùng yêu thích âm nhạc. Ông theo học đàn với Thành Liên – một vị cầm sư rất nổi tiếng thời bấy giờ.
Bá Nha học ba năm thành tài, ông bắt đầu đi du lịch khắp nơi, luyện tập cầm nghệ, kỹ năng của ông ngày càng vượt trội. Một ngày nọ, Bá Nha sau khi đi sứ nước Sở trở về đến sông Hán, gặp đêm trung thu trăng thanh gió mát, cao hứng mang đàn ra gẩy. Khi ấy gặp được một người tiều phu tên là Chung Tử Kỳ (钟子期), người ấy vậy mà có thể hiểu và thấu cảm được ngón đàn, cũng là tấm chân tình của Bá Nha.
Hai người nhanh chóng trở thành những người bạn tâm giao. Bá Nha có ý mời Tử Kỳ cùng mình về kinh nhưng Tử Kỳ từ chối vì muốn báo hiếu cha mẹ tuổi già. Sau đó, Bá Nha ước hẹn tại nơi này một ngày nào đó sẽ quay lại đón Tử Kỳ. Mùa thu ba năm sau, Bá Nha quay lại chốn cũ nhưng Tử Kỳ nay đã không còn, hai người âm dương cách biệt. Bá Nha tìm đến mộ Tử Kỳ, đàn một khúc nhạc ai điếu rồi phá bỏ cây đàn, từ đó không bao giờ đánh đàn nữa, bởi người có thể thấu cảm ngón đàn của ông nay đã không còn trên đời.
Tương truyền, “Cao sơn” và “Lưu thủy” là hai khúc đàn sinh thời Bá Nha thường tấu, và chỉ Tử Kỳ cảm thụ được tiếng đàn của Bá Nha qua hai khúc nhạc ấy. Bá Nha chơi đàn tuyệt hay, Tử Kỳ nghe đàn càng giỏi. Từ ấy, người đời sau dùng hai điển cố “Cao sơn” và “Lưu Thủy” để ví tình bạn giữa những người bạn tri âm tri kỷ, hiểu đối phương hơn cả bản thân mình.
Một người hạnh phúc, không hẳn là một người giàu sang, phú quý, có tất cả mọi thứ, mà là người có một tri âm, một tình bạn tri kỷ. Đối với một kiếp người, chỉ cần có một người tri kỷ đã là hạnh phúc lắm rồi.
Trong văn học nghệ thuật, các điển cố “tri âm”, “cao sơn”, “lưu thủy” cũng được sử dụng rất nhiều trong thơ ca:
Trong “Tả ý kỳ 1” của nhà thơ Mưu Dung:
寂寥荒馆闭闲门,
苔径阴阴屐少痕。
白发颠狂尘梦断,
青毡泠落客心存。
高山流水琴三弄,
明月清风酒一樽。
醉后曲肱林下臥,
此生荣辱不须论。
Hán Việt:
Tịch liêu hoang quán bế nhàn môn,
Đài kính âm âm kịch thiếu ngân.
Bạch phát điên cuồng trần mộng đoạn,
Thanh chiên linh lạc khách tâm tồn.
Cao sơn lưu thuỷ cầm tam lộng,
Minh nguyệt thanh phong tửu nhất tôn.
Tuý hậu khúc quăng lâm hạ ngoạ,
Thử sinh vinh nhục bất tu luận.
Dịch thơ:
Tịch liêu quán đóng cửa buồn
Đường râm bóng lặng thiếu mòn gót rêu
Đảo điên giấc mộng bạc đầu
Chiên xanh để lạnh lòng rầu với ai
Non cao nước chảy cầm dài
Trăng thanh gió mát rượu ai bạn bầy
Gác tay kê gối nằm say
Một đời vinh nhục ta đây chẳng màng.
Không chỉ trong văn học Trung Quốc, nhiều nhà thơ Việt Nam cũng nhắc đến điển tích này, như trong tác phẩm “Đoạn trường tân thanh” của thi hào Nguyễn Du:
Rằng “Nghe nổi tiếng cầm đài,
Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ.
Hay trong “Lúc Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu:
Than rằng lưu thủy cao san
Ngày nào nghe đặng tiếng đàn tri âm.
Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho các bạn một thành ngữ mới cũng như điển tích ẩn sau thành ngữ ấy. Các bạn hãy ủng hộ những bài viết tiếp theo của Tiếng Trung Ánh Dương nhé! Chúc các bạn học tốt!