Sách Tứ Thư - Đại Học

04/12/2015 07:00
Bài viết hôm nay sẽ giới thiệu tiếp tới các bạn nội dung các chương còn lại từ chương 2 đến chương 11 trong cuốn Tứ Thư Đại Học, mời các bạn tham khảo

Sách tứ thư

 

Trong các bài viết trước, chúng ta đã được tìm hiểu về Bộ sách Tứ Thư trong lịch sử văn hóa Trung Quốc. Chúng ta cũng đã tìm hiểu chương đầu tiên Thánh Kinh trong cuốn Đại Học, một trong 4 cuốn Tứ Thư. Bài viết hôm nay sẽ giới thiệu tiếp tới các bạn nội dung các chương còn lại trong cuốn Đại Học, mời các bạn tham khảo.

 

Tứ thư - Đại Học - Chương 2 - Khang Cáo

Tứ thư - Đại Học - Chương 3 - Bàn Minh

Tứ thư - Đại Học - Chương 4 - Bang Kỳ

Tứ thư - Đại Học - Chương 5 - Thính Tụng

Tứ thư - Đại Học - Chương 6 - Tri Bản

Tứ thư - Đại Học - Chương 7 - Thành Ý

Tứ thư - Đại Học - Chương 8 - Chính Tâm Tu Thân

Tứ thư - Đại Học - Chương 9 - Tề Gia

Tứ thư - Đại Học - Chương 10 - Trị Quốc

Tứ thư - Đại Học - Chương 11 - Hiệt củ

 

Tứ thư - Đại Học - Chương 2 - Khang Cáo

 

Khang Cáo là một thiên trong sách Chu Thư có câu: “Có thể phát huy được tính tốt của mọi người”

Thái Giáp là một thiên trong sách Thượng Thư có câu: “Nên nghĩ đến những tính tốt mà trời đã ban cho mọi người”.

Đế Điển là một thiên trong sách Ngu Thư có câu: “Có thể phát huy được đại đức”.

Ba lời ấy đều muốn nói mọi người phải tự mình phát huy đức sáng của mình.

 

Lời bình:

Đây là chương đầu tiên ghi chép về những kiến giải của Tăng Tử. Ông trích dẫn lời nói trong các điển tích, để nói lên người xưa đã rất quan tâm đến việc phát huy đức sáng của con người và khẳng định là có thể phát huy được.

Đức sáng trời phú cho là đức sáng có sẵn, ta phải gìn giữ và phát huy để cho cách nói, cách nghe, cách nhìn, cách làm của mỗi người phù hợp với đạo đức luân lý Nho gia. Được như vậy thì xã hội ổn định.

 

Tứ thư - Đại Học - Chương 3 - Bàn Minh

 

Trên chậu tắm của vua Thành Thang có khắc mấy chữ: “Mỗi ngày nếu có thể làm cho mình được mới hơn, thì ngày nào cũng nên tự đổi mới , đã đổi mới rồi, càng mới hơn nữa”.

Thiên Khang Cáo có câu: “Nên khuyến khích nhân dân đổi mới ”.

Kinh Thi có câu: “Triều Chu tuy là nước cũ, nhưng là mang sứ mạng mới”.

Cho nên người quân tử nên tận dụng hết mọi biện pháp ráng sức đạt đến cõi đạo đức hoàn thiện nhất để cầu được tự đổi mới.

 

Lời bình:

 

Nho gia chủ trương thi hành tư tưởng “tân dân”, có nghĩa là đổi mới lòng dân, bỏ cũ theo mới, bỏ ác theo thiện.

Cốt lõi của vấn đề là đổi mối để thống nhất tư tưởng, vì vậy giai cấp thống trị đồng thời với tự hoàn thiện mình, phải tìm mọi biện pháp tuyên truyền đạo đức luân lý Nho gia trong dân chúng, khiến mọi người đều đổi mới, đạt đến hoàn thiện nhân cách, phẩm đức.

 

Tứ thư - Đại Học - Chương 4 - Bang Kỳ

 

1. Kinh Thi có câu: “Thiên tử cai quản một cõi đất vuông vức nghìn dặm, là nơi ở của nhân dân”.

Kinh Thi có câu: “Con chim vàng hót líu lo, nó đậu bên gác núi”.

Khổng Tử bình câu này nói: “Con chim vàng còn biết chọn chỗ mà đậu, chẳng lẽ người ta không bằng con chim sao?”.

 

2. Kinh Thi có câu: “Ôi Văn Vương! Đức hạnh của Người sâu xa biết mấy, to lớn biết mấy! Vừa quang minh chính đại, vừa cung kính làm trọn chức phận của mình”. Làm vua thì hết mình thực hiện đức nhân. Làm bề tôi thì hết mình thực hiện đức kính. Làm con thì hết mình thực hiện đức hiếu. Làm cha thì hết mình thực hiện đức từ. Cùng người trong nưóc quan hệ với nhau phải hết mình thực hiện đức tín.

 

3. Kinh Thi có câu: “Kìa! Xem bên đoạn ngoặt của sông Kỳ, tre xanh rậm rạp, tốt tươi; có người quân tử lịch sự, thanh nhã, như cắt như gọt thật chăm chỉ, như mài như dũa thật tinh tế. Trang nghiêm thay! Cương nghị thay! Quang minh chính đại thay! Vĩ đại thay! Người quân tử lịch thiệp, thanh nhã như vậy, người ta trọn đời không bao giờ quên”.

“Như cắt như gọt” là muôn nói đến thái độ học tập của người quân tử.

“Như mài như dũa là muôn nói về công phu tu dưỡng của người quân tử.

“Trang nghiêm thay! Cương nghị thay!” là muôn nói về thái độ nghiêm túc cẩn thận của người quân tử.

“Quang minh chính đại thay! Vĩ đại thay!” là muôn nói về dáng vẻ bộ mặt uy nghiêm nhưng chân thành, sáng sủa của người quân tử.

“Người quân tử lịch thiệp, thanh nhã như vậy, người ta trọn đời không bao giờ quên” là muổn nói đức hạnh của người quân tử đã đạt đến cõi chí thiện chí mỹ, nên dân chúng không bao giờ quên.

 

4. Kinh Thi có câu: “Hõi ôi! Những vị vua đời trưóc thì người ta chẳng quên”.

Người quân tử ca ngợi các vị vua đời trưóc mà trở nên tôn trọng người hiền, cũng như yêu quý những người thân của mình. Còn kẻ tiểu nhân cũng nhờ công đức của các vị vua đòi trước mà hưởng thụ những niềm vui, hưởng thụ những lợi ích. Vì vậy, dù các vị vua đời trước đã qua đời, nhưng mọi người vĩnh viễn không bao giờ quên.

 

Lời bình:

 

Muốn phấn đấu đạt đến đạo đức hoàn thiện nhất thì phải thực hiện tốt năm đức: nhân, kính, hiếu, từ, tín. Mỗi người từ bậc thiên tử đến kẻ bình dân mà thực hiện theo yêu cầu của năm đức này thì quốc gia mới được củng cố, nhân dân mới được an cư lạc nghiệp.

 

Tứ thư - Đại Học - Chương 5 - Thính Tụng

 

Khổng Tử nói: “Thẩm tra xét xử công án thì năng lực của ta cũng như người khác thôi. Điều mà ta mong muốn tâm đắc nhất là người ta đừng có đi kiện tụng nữa”. Phải để cho những kẻ giấu giếm sự thực không dám khua môi múa mép, không dám cậy thế đè người, ức hiếp, hãm hại người hiền; khiến cho dân chúng hoàn toàn tâm phục. Thế mới gọi là hiểu được cái gốc của đạo lý.

 

Lời bình:

 

Khổng Tử chủ trương giải quyết vấn đề nên giải quyết từ gốc. Theo ông, xử kiện chỉ là giải quyết đằng ngọn. Giáo dục nhân dân hiểu đạo lý, hiểu pháp luật đừng để xảy ra kiện tụng mới là cái gốc.

Cái gốc là đức trị. Nó đòi hỏi một sự giáo dục toàn diện, nghiêm khắc đối với mọi tầng lớp, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật cho mọi người, để duy trì và củng cố cơ  sở chính trị của chế độ.

 

Tứ thư - Đại Học - Chương 6 - Tri Bản

 

Trong chương thứ sáu của sách Đại Học, tức là chương thứ năm trong mười chương của Tăng Tử viết, có giải thích rõ về ý nghĩa của “cách vật trí tri”, nhưng chương này đã bị thất lạc. Tôi (Chu Hy) vận dụng quan điểm của Trình Di bổ sung như sau:

Muốn có nhận thức đúng đắn thì cốt lõi là ở chỗ “cách vật trí tri”, tức là nghiên cứu để hiểu rõ lý tận cùng của sự vật. Muốn có nhận thức đúng đắn đốỉ với bất kỳ sự vật nào, phải tiếp xúc với sự vật để nghiên cứu kỹ cả bên ngoài lẫn bên trong của sự vật, bản chất của sự vật, điều kiện khách quan, chủ quan của sự vật phát sinh, phát triển, tồn tại và diệt vong.

Nói chung, trí tuệ con người rất cao siêu, không có ai không có năng lực nhận biết, chỉ khác nhau ở mức độ mà thôi, còn vạn vật trong thiên hạ không có cái nào không bao hàm cái lý của nó. Chỉ vì chúng ta đốì với sự vật, chưa nghiên cứu hết điều tận cùng, cho nên nhận thức chưa được đầy đủ đó thôi.

Cho nên, sách Đại Học, trước hết yêu cầu các học giả khi tiếp xúc với bất cứ sự vật gì trong thiên hạ, phải căn cứ vào cái lý mình đã nhận thức được sự vật đó, để tiếp tục nghiên cứu cái lý tận cùng của sự vật, để đạt đến đỉnh điểm của nhận thức.

Nếu chúng ta bỏ đúng công sức, kiên trì như vậy, thì sẽ có một ngày ta thông hiểu hết cái sâu kín bên trong lẫn cái hiển hiện bên ngoài của sự vật, từ tinh vi đến thô thiển, không có chỗ nào mà không biết được một cách cặn kẽ. Đến lúc đó, nhận thức của chúng ta về tổng thể, về khái quát, về vận dụng cụ thể sẽ không có chỗ nào không rõ. Đây gọi là “cách vật trí tri”, tức là nhờ phân tích mổ xẻ nên đã hiểu hết lý tận cùng của sự vật. Như vậy gọi là đã đạt đỉnh điểm về nhận thức.

 

Lời bình:

 

Hai câu đầu tiên ở chương này, lúc đầu là ở cuối chương đầu tiên trong mười chương của Tăng Tử, tức là ở chương thứ hai sách Đại Học. Chu Hy rút ra để vào chương này, tiếp đó Chu Hy đưa phần giải thích “cách vật trí tri” vào, vì sách Đại Học chưa có giải thích về “cách vật trí tri”. Chu Hy giải thích “cách vật trí tri” như sau: “Cách” là nghiên cứu, truy cứu. “Vật” là sự vật, chỉ tất cả mọi sự vật, hiện tượng tự nhiên cũng như xã hội. “Trí” là cực, tận cùng, đến cùng. “Tri” là biết, nhận thức.

Chu Hy cho rằng, con người ta ai cũng có năng lực nhận biết, mà bất cứ sự vật nào đều có cái lý, bản chất riêng của sự vật đó. Không hiểu tận cùng cái lý, bản chất của sự vật thì không thể có nhận thức đầy đủ về sự vật đó được. Muốn có nhận thức đầy đủ, đạt đến đỉnh điểm, khi tiếp xúc với sự vật phải nghiên cứu tận cùng cái lý của nó.

Theo giải thích của Chu Hy, “cách” là thủ đoạn của “tri”.

Nhưng sự vật mà Chu Hy nói tới, không những là hiện tượng vật chất tồn tại khách quan, mà còn chỉ những hoạt động xã hội do con người chủ trì tổ chức. Cho nên “cách” trong “cách vật” không những chỉ sự nghiên cứu khảo sát sự vật trong thực tiễn, trong tự nhiên, trong xã hội; mà còn chỉ những thể nghiệm tâm lý lấy thành ý chính tâm làm nội dung. Vì không thành ý, chính tâm cũng không thể hiểu hết sự lý, mặt trái, mặt phải của sự vật, của vấn đề, nhất là các hiện tượng xã hội, tệ hơn nữa vì không thành tâm mà bóp méo sự thật.

Muốn thành ý, chính tâm, ngoài sự tự giác của mỗi con người ra, vận phải đề cao sự giáo dục tuyên truyền nhắc nhở mọi người tự hoàn thiện mình, tự khôi phục bản tính đạo đức ban đầu của mình. Nho gia đề xướng “cách vật trí tri” là để giáo dục mọi người đề phòng những thiên lệch trong cảm tính, sai trái trong dục vọng, loại trừ nhân tố bất lương, theo đuổi tự hoàn thiện mình, tự điều chỉnh mình, để tu dưỡng đạo đức của cá nhân phù hợp với nhu cầu của sự phát triển xã hội.
 

Tứ thư - Đại Học - Chương 7 - Thành Ý

 

1. Thành ý là khiến cho ý niệm được thành thật. Muốn cho ý niệm của mình thành thật, trước hết mình không được lừa mình dối mình. Như vật gì hôi thì mình ghét, vật gì đẹp đẽ thì mình lại ưa. Đây là muốn nói mình thật sự thỏa mãn theo ý mình, biểu lộ tình cảm, ý niệm của mình. Cho nên, người quân tử khi ở một mình cũng cần phải giữ mình hết sức cẩn thận.

 

2. Kẻ tiểu nhân, khi người khác không nhìn thấy thì làm việc xấu ngay, không việc xấu nào mà không làm. Nhìn thấy người quân tử thì kẻ tiểu nhân trốn trốn tránh tránh, mắt la mày lét, cố ý che giấu cho được hành vi không tốt, mà xun xoe, khoe khoang bộc lộ hành vi tốt của mình. Kỳ thực, mọi người nhìn kẻ tiểu nhân như thấu cả ruột gan, tim phổi rồi, thì kẻ tiểu nhân không thành thật như vậy phỏng có ích gì? Thế gọi là sự thật ở bên trong nhất định biểu lộ ra ngoài. Cho nên người quân tử khi ở một mình vẫn phải giữ mình hết sức cẩn thận, tự kiểm tra, chất vấn bản thân mình, làm chủ bản thân.

 

3. Tăng Tử nói: “Rất nhiều mắt nhìn, rất nhiều tay chỉ, như vậy không đủ nghiêm khắc rồi sao?”. Vì vậy nên phải giữ mình.

 

4. Tài sản có thể làm đẹp nhà cửa. Đức hạnh có thể làm đẹp bản thân. Tâm tư quảng đại thì cử chỉ, thái độ thong dong, thoải mái. Cho nên, người quân tử lúc nào cũng phải làm cho ý niệm của mình được thành thật.

 

Lời bình:

 

Thành ý là làm cho ý niệm của mình thành thật, tư tưởng thuần chính. Muốn làm được điều này, phải bỏ ra nhiều công phu, lúc nào ở đâu cũng phải có ý thức về lời nói và hành động của mình; dù cho chỉ có một mình mình làm, một mình mình biết, cũng không được một lúc nào giả dốỉ, ngụy trang. Thông thường, những ý niệm ác thường nảy sinh khi người ta ở một mình; mà những điều tưởng chừng như có thể giữ kín trong lòng lại hiện ra qua nét mặt, cử chỉ và thái độ, nên mọi người rất dễ nhận ra. Vì vậy khi ở một mình, người quân tử càng phải giữ mình cẩn thận, ý niệm của mình phải chân thực, hành động của mình phải đúng đắn.

 

Tứ thư - Đại Học - Chương 8 - Chính Tâm Tu Thân

 

1. Nếu muốn tu dưỡng phẩm cách đạo đức, trước hết phải giữ cho lòng mình ngay thẳng. Đạo lý ở chỗ nào?

Nếu như mình tức giận, thì lòng mình không thể giữ ngay thẳng được.

Nếu như mình lo sợ, thì lòng mình không thể giữ ngay thẳng được.

Nếu như mình quá vui vẻ, thích thú, thì lòng mình không thể giữ ngay thẳng được.

Nếu như mình lo lắng, buồn phiền, thì lòng mình không thể giữ ngay thẳng được.

 

2. Một khi lòng mình chẳng được ngay thẳng thì có nhìn cũng không thấy, có nghe cũng không hay, có ăn gì cũng không biết mùi vị.

Đạo lý tu dưỡng phẩm đức trước hết cần phải giữ lòng mình ngay thẳng là như vậy.

 

Lời bình:

 

Chính tâm là giữ cho lòng mình ngay thẳng. Chính tâm tu thân là chỉ sự tu dưỡng phẩm đức từ nội tâm mình.

Lấy tu thân làm trung tâm để nhấn mạnh giữa tu thân với trị quốc, bình thiên hạ là hoàn toàn thống nhất với nhau. Chính tâm là cơ sở của tu thân. Muốn tu thân phải chính tâm.

Bất kỳ suy nghĩ thiếu thiện chí nào, những dụng ý xấu xa nào như thích, ghét, giận, vui, buồn quá mức đểu ảnh hưỏng đến tu thân của mình. Cho nên tu thân ỏ chỗ giữ cho lòng mình ngay thẳng đã trở thành một phương pháp hoàn chỉnh trong rèn luyện, bồi dưỡng phẩm đức mỗi con người.

Xem thêm: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ

 

Tứ thư - Đại Học - Chương 9 - Tề Gia

 

1. Tề gia tức là chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc mình, chủ yếu ở chỗ mình tu dưỡng tốt đạo đức. Bởi vì con người ta đốỉ với người mình thân thích thì thường có sự thiên lệch; đối với ngưòi mình kính sợ, thường có sự thiên lệch; đối với người mình thương hại, thường có sự thiên lệch; đối với người mình khinh miệt, cũng thưòng có sự thiên lệch.

Cho nên ưa thích ai lại biết được khuyết điểm của người ấy, khi ghét bỏ ai lại biết được ưu điểm của người ấy, người làm được như vậy là hiếm có trong thiên hạ.

 

2. Vì vậy ngạn ngữ có câu: “Người ta không ai biết được tật xấu của con mình, không có ai cho rằng mạ ở ruộng mình tốt cả” (Vì thương yêu con, nên thấy cái gì con cũng tổt. Vì sợ người ta xin hay lấy trộm mất, cho nên không dám nói mạ nhà mình tốt. Ý nói tính thiên lệch của con người là một tồn tại khách quan - ND).

Thế gọi là tự bản thân mình không tu dưỡng tốt thì không lấy gì chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc được.

 

Lời bình:

 

Muốn “tề gia” phải “tu thân”. Nhưng bản tính của con người thường có sự thiên lệch. Đối với người thân thích mình yêu mến thì lại càng yêu mến. Đối với người thân thích mình ghét thì lại càng ghét. Tính thiên lệch này không có lợi cho sự đoàn kết mọi người trong gia đình, gia tộc, trong làng xã. Nếu suy rộng ra toàn xã hội, tính thiên lệch này có ảnh hưởng xấu nghiêm trọng, chẳng hạn như thân quen thì ưu tiên bổng lộc nhiều, việc gì cũng giải quyết trước, địa phương mình thì quan tâm hơn,... dần dần làm cho xã hội mất công bằng, mất ổn định.

Vì vậy, bất kỳ ai cũng không nên thiên lệch về một bên nào, phía nào, ngành nào. Tất cả đều theo trung dung mà xử lý, theo trung thứ mà đối xử với người. Có như vậy, tự bản thân mới có sự tu dưỡng tốt, mới tề được gia.

 

Tứ thư - Đại Học - Chương 10 - Trị Quốc

 

1. Muốn trị quốc tốt trước hết phải, chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc mình. Bởi vì người trong gia đình, gia tộc mình giáo dục không được, mà lại có thể giáo dục được người khác thì đây là điều không thể có.

Cho nên người quân tử không cần ra khỏi nhà mà vẫn giáo dục tốt dân một nước.

 

2. Đức hiếu với cha mẹ là nguyên tắc để thờ vua.

Đức đễ (kính) với anh là nguyên tắc để đối xử vói người trên.

Đức từ (yêu thương, độ lượng) với các con là nguyên tắc để sai khiến, sử dụng dân chúng.

 

3. Thiên Khang Cáo có câu: “Vua yêu thương chăm lo cho dân giống như người mẹ chăm sóc bảo vệ trẻ sơ sinh vậy”.

Nếu thành tâm tìm hiểu, nỗ lực chăm sóc bảo vệ trẻ sơ sinh, tuy là không thể hoàn toàn đạt ý nguyện của đứa trẻ, nhưng sai sót cũng không là mấy. Chưa hề thấy cô gái nào học cách nuôi con trưóc rồi mới đi lấy chồng.

 

4. Một nhà thực hiện nhân ái, có thể dấy lên cả nước một phong trào nhân ái.

Một nhà thực hiện khiêm nhường, có thể dấy lên cả nước một phong tục khiêm nhường.

Còn nếu một người tham lam tàn bạo, tất dấy lên cả nước phạm thượng, làm loạn.

Mối liên hệ tương quan chặt chẽ chính là như vậy. Đó gọi là một lời có thể làm hỏng cả công việc, một người có thể làm yên được nước nhà.

 

5. Vua Nghiêu, vua Thuấn dùng nhân ái để quán lý thiên hạ. Nhân dân theo đó mà thực hiện nhân ái.

Vua Kiệt, vua Trụ dùng bạo lực để quản lý thiên hạ. Dân chúng cũng theo đó mà làm loạn.

Ra lệnh cho dân chúng thực hành nhân ái, nhưng mình lại tàn bạo, thì dân nhất định chẳng nghe theo.

Cho nên người quân tử, trước hết nên yêu cầu mình có điều thiện, sau đó mới yêu cầu người khác; yêu cầu mình đừng làm điều ác, rồi sau đó mới cấm chỉ người khác.

Nếu bản thân mình che giấu những hành vi không phù hợp với đạo trung thứ, mà lại giáo dục được người làm theo đạo trung thứ, từ trưóc đến nay chưa có ai làm được. Cho nên muốn trị nước tốt, trước hết phải chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc.

 

6. Kinh Thi có câu: “Cây đào đẹp biết bao nhiêu! Lá xanh tươi tốt xum xuê. Kìa cô gái bước chân về nhà chồng, nhất định khiến cả nhà hòa thuận”. Một nhà hòa thuận mới có thể giáo dục cả nước hòa thuận.

Kinh Thi có câu: “Anh em phải hòa thuận với nhau”. Anh em có hòa thuận mới có thể giáo dục người trong cả nước.

Kinh Thi có câu: “Lễ tiết nghi thức không để sai sót, thì có thể giáo dục tốt người khắp thiên hạ”. Bậc vua hiền xử sự ở địa vị một người làm cha, làm con, làm anh, làm em đều trở thành một tấm gương cho cả gia tộc noi theo, thì nhân dân mới noi theo.

Như vậy là muốn nói trị quốc tốt trước hết là ở chỗ chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc mình.

 

Lời bình:

 

Nho gia chủ trương muốn trị quốc thì phải tề gia.

Thế nào là tề gia? Tề gia là chỉnh đốn gia đình mình cho tốt.

Muốn chỉnh đốn tốt gia đình, phải đem đức hiếu của con cái đối với cha mẹ, đức đễ của em đối với anh, đức từ của cha mẹ đối với con cái làm quy phạm đạo đức cơ bản để duy trì quan hệ nội bộ gia đình.

Mọi gia đình mà cha mẹ hiền từ với con cái, anh chị em đều có sự tôn trọng lẫn nhau, kính trên nhường dưới, con cái hiếu thuận với cha mẹ, quan hệ tốt đẹp như vậy thì việc duy trì đoàn kết nội bộ gia đình chẳng có gì là khó khăn cả.

Nguyên tắc để điều hòa những mối quan hệ trong gia đình cũng thích ứng với điều hòa những mối quan hệ trong xã hội giữa bề tôi với vua, giữa vua tôi với dân chúng... Ngày nay, đem những đức hiếu, đễ, từ, trong gia đình, gia tộc vận dụng vào sinh hoạt chính trị của nước nhà thì thật là có ý nghĩa to lớn.

Lòng hiếu thuận với cha mẹ là cơ sở để xây dựng lòng trung thành, hết mình phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc.

Biết kính trọng, nghe lời và nhường nhịn anh em là cơ sở để hình thành thái độ đốì xử với người trên, để từ đó biết kính trọng người cao tuổi, tôn trọng cấp trên, nhường nhịn bạn bè, đồng nghiệp.

Có tấm lòng thương yêu của cha mẹ đốỉ với con, đem lòng từ ái đối với mọi người khác mới khiến người ta tin phục, có giao phó việc gì người ta mới sẵn lòng nghe theo. Làm được như vậy, các mối quan hệ phức tạp trong nội bộ nước nhà cũng được điều hòa tốt đẹp, chế độ chính trị mới được củng cố.

Nho gia chủ trương tu thân tốt rồi mới tề gia, tề gia tốt rồi mới trị quốc, trị quốc tốt mới bình được thiên hạ. Tề gia là cơ sở của trị quốc chính là như vậy.

 

Tứ thư - Đại Học - Chương 11 - Hiệt củ

 

1. “Bình thiên hạ ở chỗ trị nước mình” có nghĩa là muốn thiên hạ thái bình thì phải lãnh đạo tốt đất nước mình.

Nếu người trên có hiếu vối cha mẹ, thì trong nhân dân nhất định dấy lên một tập quán, phong tục hiếu kính cha mẹ.

Nếu người trên tôn trọng bậc huynh trưởng, thì trong nhân dân nhất định dấy lên một phong tục, tập quán tôn trọng anh em.

Nếu bề trên thật lòng thương xót kẻ côi cút cô đơn góa bụa, thì nhân dân cũng thương xót kẻ côi cút cô đơn góa bụa.

Vì vậy người quân tử phải nắm vững đạo “noi theo khuôn phép” này.

 

2. Ghét những điều không tốt mà người trên đốì với mình, thì mình cũng đừng lấy điều đó đối xử với cấp dưới.

Ghét những cách làm không tốt của cấp dưới đối với mình, thì mình cũng đừng dùng những cách đó để đối xử vối cấp trên.

Ghét những việc làm không tốt của người trước đối với mình, thì mình cũng đừng đem những việc đó đối xử với người sau mình.

Ghét những việc làm không tốt của người sau đối với mình, thì mình cũng đừng đem những việc đó đối xử với người trước mình.

Ghét những việc làm không tốt của người bên trái đốỉ với mình, thì mình cũng đừng đem những việc đó đối xử với người bên phải mình.

Ghét những việc làm không tốt của người bên phải đối với mình, thì mình cũng đừng đem những việc đó đối xử với người bên trái mình.

Đấy gọi là đạo “noi theo khuôn phép”.

 

3. Kinh Thi có câu: “Người quân tử hiền hòa, nhân đức là cha mẹ của dân”.

Người quân tử yêu thích điều dân yêu thích.

Người quân tử ghét điều dân ghét.

Như vậy gọi là làm cha mẹ của dân.

 

4. Kinh Thi cũng có câu: “Kìa Nam Sơn hiểm trở, sừng sững non cao, đá núi trập trừng! Uy nghiêm thay quan thái sư họ Doãn! Nhân dân đều ngưỡng vọng, mến mộ ngài”

Làm người cai trị quốc gia không thể không cẩn thận. Nếu để sơ suất một phân ly, không noi theo khuôn phép, tất sẽ bị nhân dân loại bỏ ngay.

 

5. Kinh Thi còn có câu: ”Khi nhà Ân chưa để mất lòng dân thì còn xứng đáng để thụ mệnh thiên tử. Nên soi vào tấm gương diệt vong của nhà Ân để biết rằng, giữ được thiên hạ không phải là dễ”. Đây là muốn nói đạo trị dân: nếu được lòng dân là được nước, mất lòng dân là mất nước.

 

6. Vì vậy người quân tử trước tiên phải cẩn thận tu dưỡng đức tính của mình. Hễ mình có phẩm đức tu dưỡng tốt là được lòng dân, được lòng dân là có đất đai, có đất đai là có tài sản, có tài sản mới có thể sử dụng.

 

7. Đức là gốc, tài sản là ngọn. Nếu như bỏ gốc mà lấy ngọn, thì sẽ cùng tranh lợi với dân, cướp bóc dân. Vì thế, nếu chỉ lo góp nhặt tài sản thì dân chúng sẽ xa rời ngay; biết phân phát tài sản thì dân chúng sẽ quy thuận ngay. Nếu ở trên phản lại lòng dân, chỉ biết phát ra những mệnh lệnh trái lẽ, thì dân chúng sẽ đối xử lại bằng những điều trái nghịch. Nếu ở trên phản lại lòng dân, chỉ lo tích tụ tài sản châu báu ngọc ngà, thì dân chúng cũng sẽ đối xử lại bằng hành động bội nghịch, khiến cho tài sản của vua ngày một khánh kiệt.

 

8. Thiên Khang Cáo có câu: “Mệnh trời không thể trước sau như một được”. Câu này muốn nói có đức thiện mới có được mệnh trời, nếu không có đức thiện thì sẽ mất mệnh trời ngay.

 

9. Sách cổ nước Sở có câu: “Nước Sở chẳng có cái gì làm trân châu bảo ngọc cả. Chỉ đem người có đức thiện làm trân châu bảo ngọc mà thôi”.

Ồng Phạm, cậu vua Tấn Văn Công có nói một câu: “Người vì mất nước mà phải chạy ra nước ngoài, không còn xem cái gì là trân châu bảo ngọc cả; chỉ đem lòng nhân ái, yêu thương con người làm vật báu mà thôi”.

 

10. Thiên Tần Thệ trong sách Chu Thư có câu: “Giả thử có được một đại thần rất thành thực, dù chẳng có tài năng nào khác, nhưng có tấm lòng quảng đại, bao dung; thấy người khác có tài năng, đại thần đó xem như mình có; biết người khác thông minh, hiền đức, đại thần đó chẳng những hết sức tán thưởng ra lời mà còn vô cùng kính phục từ trong tâm, thì bậc đại thần như vậy có thể dung nạp người hiền tài, nên có thể che chở cho con cháu, xã tắc và nhân dân của ta. Đại thần đó đối với ta rất có ích lắm thay!

Còn kẻ làm tôi thấy người khác có tài năng thì đem lòng đố kỵ, ghen ghét; biết người khác hiền đức, thông minh liền làm điều khó dễ, gây trở ngại, khiến cho người ấy không được vua biết tới, không thành công trong mọi việc, thì loại người này không có lòng bao dung, do đó không thể che chở cho con cháu, xã tắc và nhân dân của ta. Loại người này đối với ta là hết sức nguy hiểm!”.

Chỉ người có đức nhân mới có thể đem loại người đối kỵ ấy mà đày đi nơi xa, không cho chúng cùng sống chung với hiền thần tại đất Trung Nguyên.

Đây là muốn nói, chỉ người có đức nhân mới biết yêu người, ghét người. Vì vậy cái yêu, cái ghét của thánh nhân đều chính đáng cả.

 

11. Phát hiện người có tài đức mà không đề bạt cất nhắc, đề bạt cất nhắc rồi mà không trọng dụng, đây gọi là khinh rẻ người có tài đức vậy.

Phát hiện người bất lương làm sai trái mà không bãi chức, bãi chức rồi mà lại không đuổi ra ở nơi xa xôi hẻo lánh, đây gọi là dung túng cho kẻ bất lương vậy.

Ưa thích cái mà mọi người ghét bỏ, ghét bỏ cái mà mọi người ưa thích, thế gọi là làm trái bản tính con người, tai họa nhất định giáng xuống kẻ ấy.

Cho nên, làm người quân tử cần nhớ kỹ đạo lý lớn này: phải dựa vào trung tín mới được thiên hạ, còn nếu kiêu ngạo, phóng túng thì nhất định mất thiên hạ.

 

12. Muốn tích tụ được của cải cũng có nguyên tắc: người làm ra của cải thì đông mà hưởng thụ của cải thì ít; làm ra của cải thì nhanh mà tiêu dùng của cải thì chậm. Có như vậy thì tài sản mới một ngày một dồi dào sung túc.

Người nhân dùng của cải của mình để hoàn thiện phẩm đức. Kẻ bất nhân dùng sinh mệnh của mình để vơ vét thêm của cải. Chưa từng có bậc vua nào ưa thích điều nhân mà dân chúng lại không yêu điều nghĩa. Chưa từng có người nào hiểu điều nghĩa mà lại làm việc không hết lòng. Cũng chưa từng có bao giờ của cải trong kho lẫm lại không phải là của cải của người nhân.

 

13. Mạnh Hiến Tử có nói: “Người có xe bốn ngựa kéo thì không nên nghĩ đến việc nuôi gà nuôi heo. Nhà có khả năng dùng nước đá ướp lễ vật để cúng tế thì không nên nghĩ đến việc nuôi dê, nuôi bò. Ở địa vị làm quan có đến hàng trăm cỗ xe thì chẳng nên nghĩ đến việc nuôi thêm gia thần nhằm bòn mót tiền tài của dân chúng. Thà là có kẻ bề tôi ăn cắp của mình còn hơn là có kẻ bề tôi bòn rút tiền tài của dân cho mình.

Điều này muốn nói lên rằng một nước không nên xem tài sản là lợi ích, mà nên xem nhân nghĩa là lợi ích.

 

14. Nếu bậc vua cai trị một quốc gia mà chỉ nặng về coi trọng tài sản, nhất định có kẻ tiểu nhân xúi giục. Kẻ ấy lại còn tán thưởng việc làm trên của vua là tốt. Kỳ thực, nếu để kẻ tiểu nhân tham gia quản lý quốc gia, nhất định dẫn đến thiên tai nhân họa, dù cho về sau dùng lại người hiền đức cũng không cứu vãn nổi.

Đây là nói về đạo trị quốc: không nên xem tài sản là lợi ích, mà nên xem nhân nghĩa là lợi ích vậy.

(Nguồn: Tứ thư-Trần Trọng Sâm, Kiều Bách Vũ Thuận biên dịch, Nhà xuất bản QĐND 2003)

| Trung tâm Tiếng Trung Ánh Dương