Bộ sách tứ thư: Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ và Mạnh Tử

01/12/2015 05:40
Trong lịch sử văn hóa, tư tưởng phương Đông, bộ sách Tứ Thư có một vai trò cực kỳ quan trọng.

Tứ thư

 

Trong lịch sử văn hóa, tư tưởng phương Đông, bộ sách Tứ Thư có một vai trò cực kỳ quan trọng. Hầu hết các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam, cả một chặng dài đã dùng Tứ Thư để làm nền tảng phát triển. Tứ Thư gồm bốn cuốn: Đại Học, Trung Dung, Luận NgữMạnh Tử. Sự hình thành bộ sách này kéo dài hàng trăm năm, trong đó nổi lên hai tên tuổi chủ đạo: Khổng Tử - người thầy, người khởi xướng và Mạnh Tử - người kế thừa, phát triển.

Tứ Thư đề cập đến nhiều lĩnh vực: triết học, chính trị, đạo đức, luật pháp... Một trong những nội dung chủ đạo của Tứ Thư là việc tập trung xây dựng nhân cách con người xã hội với những vấn đề căn cốt như: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Những chuẩn mực mà Tứ Thư đề ra cho cá nhân, đặc biệt ở khía cạnh đạo đức đến nay vẫn còn mang tính thời sự và trình tự hệ thống: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ xem ra ngày càng chứng tỏ sự ưu việt. Ở Tứ Thư, giá trị cá nhân chỉ được đề cao khi mà nó gắn bó mật thiết với toàn bộ trật tự chung, nói cách khác khi nó hoàn thành triệt để nghĩa vụ, bổn phận của mình với toàn bộ xã hội xung quanh. Vì thế có thể khẳng định, cái đích hướng tới cuối cùng của Tứ Thư chính là sự phát triển trong bình ổn với một quy định nghiêm ngặt về đạo đức cho tất cả các tầng lớp xã hội. Chính giá trị quan trọng này sẽ giải thích hiện tượng qua hàng nghìn năm, ảnh hưởng của Tứ Thư không chỉ dừng ở phương Đông mà ngày càng lan truyền, phổ cập trên diện rộng thế giới.

Xem thêm: Ngũ Kinh

Trong thời đại ngày nay, khi xu hướng toàn cầu hóa đang tràn lan và sự tồn tại của một quốc gia, một dân tộc phụ thuộc rất nhiều vào nội lực văn hóa truyền thống thì việc tìm hiểu, khám phá lại Tứ Thư là một nhu cầu quan trọng, cấp thiết không chỉ ở tầm quốc gia mà ở ngay bản thân mỗi cá nhân người Việt Nam. Lý do đơn giản là một phần không nhỏ văn hóa của chúng ta phát triển trên cơ sở tiếp thu uyển chuyển, linh hoạt, có chọn lọc những tinh hoa tư tưởng Khổng Mạnh, mà trong đó Tứ Thư là cốt lõi. Qua Tứ Thư, chúng ta sẽ hiểu thấu đáo hơn nền tảng văn hóa truyền thống của dân tộc mình để rồi từ đó có những định hướng cho chặng đường phát triển tiếp theo.

1. Đại Học

Đại Học (大學 Dà Xué) nguyên là một chương trong Lễ Ký, được thành sách ước trong khoảng thời gian từ thời Chiến Quốc đến thời Tần Hán, được xem là một trong những kinh sách chủ yếu của Nho gia. Còn tác giả là ai, từ trước đến nay vẫn chưa xác định rõ. Có người cho là Tử Tư viết, nhưng Chu Hy đời Tống cho là của Tăng Tử viết. Chu Hy nêu ra lý do Tăng Tử là học trò của Khổng Tử, nên Tăng Tử ghi chép lại lời dạy của Khổng Tử là hợp đạo lý. Tuy là suy đoán nhưng người đời sau đa số đều tin vào giả thuyết này.

Nhưng đến đời Thanh, các nhà khảo chứng lại nêu ra ý kiến khác nhau cho rằng Đại Học với Tăng Tử, Tử Tư không có liên quan gì, mà là sách được viết vào đời Hán. Nhưng lý do nêu ra chưa đủ sức thuyết phục, chưa được mọi người công nhận, thành ra việc tranh luận ai là tác giả đến nay vẫn chưa kết thúc.

Hai chữ đại học ở đây có nghĩa là học vấn uyên bác tinh sâu. Theo đời Chu truyền lại, con cháu quý tộc tám tuổi đã đi học tiểu học, học tập tri thức văn hóa cơ sở và võ nghệ; mười lăm tuổi vào đại học, còn gọi là thái học, học lý luận quản lý chính sự qua các kinh thư. Trịnh Huyền đời Hán nói: “Những học sinh đại học dựa vào tri thức uyên bác tinh sâu, có thể tham gia quản lý chính sự”. Chu Hy đời Tống nói: “Đại học giả đại nhân chi học dã”. Đại nhân ở đây không phải là người có địa vị cao, mà là người có nhân cách cao thượng theo học đại hoc để trở thành người quân tử phò vua, giúp nước.

Đời Hán xem các kinh ở thời Xuân Thu là đại kinh, xem Tứ Thư trong đó có Đại Học là tiểu kinh.

Đời Đường xem Đại Học, Mạnh Tử và Kinh Dịch như nhau, đều gọi là kinh thư.

Đời Tống, hai anh em họ Trình là Trình Hạo và Trình Di nói: “Sách Đại Học là sách nhập môn cho người mới đi vào học đạo”.

Điều đó nói lên địa vị của sách Đại Học trong các loại kinh thư.

Chu Hy đánh giá rất cao về nội dung sách Đại Học, nói rằng: sách Đại Học là cương lĩnh không có cái gì không bao hàm trong đó, không có cái gì không dung nạp trong đó. Chu Hy còn cho rằng, có thể dùng những thuyết giáo trong sách Đại Học để bù đắp lại những lỗ hổng trong tư tưởng của giai cấp thống trị phong kiến.

Về các bản sách Đại Học, Chu Hy cho rằng, kể cả bản cũ cũng như những bản đã cải biên chỉnh sửa, đều có chỗ chưa hoàn chỉnh. Cho nên Chu Hy đã dựa vào bản đã sửa chữa của Trình Di, tiếp tục chỉnh biên, phân ra chương mục.

Chu Hy cũng nói thêm chương đầu tiên là kinh, là ý của Khổng Tử do Tăng Tử truyền lại bằng miệng; còn mười chương sau là giải thích chương đầu tiên, do học trò của Tăng Từ ghi chép lại.

Về sau người ta gọi bản của Chu Hy chỉnh biên là Đại Học đã sửa chữa, so văn bản cũ có chỗ khác nhau. Tuy vậy người đời sau vẫn cho rằng bản của Chu Hy là bản có sức thuyết phục nhất, giới chuyên môn dùng để đọc và nghiên cứu. Trong lịch sử Trung Quốc, Đại Học là sách có nhiều bản nhất.

Xem thêm bài viết cùng chủ đề: Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ

2. Trung Dung

Trung Dung (中庸 Zhōng Yóng) là sách luân lý học của phái Nho gia Tử Mạnh (Tử Tư và Mạnh Tử). Đến thời Hán, sách Trung Dung đã trở thành một thiên trong sách Lễ Ký. Đến đời Tống, học giả Chu Hy rút ra, chỉnh biên lại và chú giải, rồi hợp cùng các sách Luận Ngữ, Đại Học, Mạnh Tử thành bộ Tứ Thư. Từ đời Tống về sau, sách Trung Dung trở thành sách giáo khoa cơ bản trong chương trình giáo dục của chế độ phong kiến Trung Quốc.

Sách Trung Dung không quá ba nghìn chữ. Sau khi chỉnh lý xong, Chu Hy phân ra 33 chương đề dễ bề chú giải. Đến đời Thanh, học giả Trương Đại chọn mấy chữ ở mỗi chương đề đặt tên cho từng chương. Kết cấu của Trung Dung chặt chẽ, nghiêm túc, cẩn thận; lời văn ngắn gọn nhưng điêu luyện, sắc bén.

Nội dung sách có thể chia ra hai phần:

Phần thứ nhất là những giải thích của Khổng Tử về trung dung và con đường, biện pháp đạt đến trung dung.

Phần thứ hai gồm những ỷ kiến mà Tử Tư đã kế thừa và phát triển tư tường trung dung của Khổng Tử, trong đó nội dung quan trọng nhất là chí thành.

Trong Luận Ngữ, Khổng Tử đã đưa ra khái niệm trung dung. Tư tưởng trung dung nêu ra trong Luận Ngữ là kế thừa và phát triển quan niệm trung hòa trước đây. Sáng tạo lớn nhất của Khổng Tử là sau chữ “trung” lại thêm chữ “dung”. Từ đó nâng quan niệm “trung hòa” lên tầm triết học. Chữ “dung” có hai nghĩa:

Nghĩa thứ nhất là dụng, là dùng, tức là nắm chắc hai đầu mút, hai cực đoan của hai mặt đối lập, tìm cho ra biện pháp phù hợp để giải quyết mọi mâu thuẫn trong xã hội; làm gì ở đâu cũng luôn luôn áp dụng điều trung.

Nghĩa thứ hai là bình thường, tức là coi vận dụng đạo trung trở thành việc làm hàng ngày của mọi người.

Khổng Tử sống ở cuối thời kỳ Xuân Thu, lúc giao thời giữa chế độ phong kiến dang bắt đầu hình thành, chế độ tông pháp ở trong tình trạng lễ băng nhạc hoại, những hiện tượng tranh bá đồ vương, chém giết lẫn nhau tàn khốc xảy ra, khiến xã hội đã mất hết những chuẩn tắc để duy trì các mối quan hệ, xảy ra nhiều hiện tượng thất trung. Cho nên Khổng Tử mới đề xướng đạo trung dung. Mục đích là mong muốn giữa người với người có mối quan hệ hài hòa, để chế độ đẳng cấp không bị phá sản.

Đã có nhiều người hiểu lầm về ý nghĩa của trung dung, cho rằng chữ “trung” trong “trung dung” là “chiết trung' là “điều hòa”. Thực chất, "trung" trong “trung dung” và “trung” trong “chiết trung” đều là một chữ “trung”, nhưng hàm ý hoàn toàn khác nhau.

Chiết trung, nguyên ý lúc đầu là: “chiết” là phán đoán, quyết đoán, còn trung là tiêu chuẩn. Ở thời nhà Tần, chiết trung có nghĩa là phân biệt tiêu chuẩn, phân biệt phải trái, đúng sai, thật giả; đối với sự tranh chấp hai bên có ý kiến chính xác, thì phải có phán quyết xác đáng. Đến hậu thời kỳ phong kiến, chiết trung đã mất đi ý nghĩa ban đầu, dần dần diễn biến thành điều hòa tức là không nói đến nguyên tắc, không nói đến phải trái. Đó là một sự suy diễn hoàn toàn sai lệch.

Khổng Tử cho rằng, cục diện xảy ra ở thời đại Khổng Tử là do thiên hạ vô đạo, tức là không có đạo trung dung, không có chuẩn tắc đạo đức luân lý để có thể giải quyết hài hòa các mối quan hệ xã hội thời đó. Cho nên phải dựa vào đạo trung dung, tìm ra những biện pháp phù hợp, giải quyết tốt mâu thuẫn với mọi đối tượng trong các môĩ quan hệ để giữ vững được ổn định xã hội.

Trung dung không phải là trung hòa một cách đơn giản theo phép trung bình số học, mà là tìm cho được biện pháp, đường lối phù hợp, không thái quá hoặc bất cập.

Khổng Tử không chỉ nêu ra lý luận về đạo đức trung dung mà còn tìm ra biện pháp, con đường để thực hiện đạo trung dung. Theo ông, học lý thuyết chỉ khi nào chuyển hóa thành phương pháp, chuẩn mực và nguyên tắc hoạt động mới phát sinh hiệu quả xă hội. Khổng Tử đã từng nêu ra: “Nói không được quá lời, làm không vượt quá nguyên tắc. Không chiếm hết công lao, không đùn đẩy sai lầm. Không nên thiên, không nên lệch về bên nào. Không được thái quá hay bất cập.

Đó là những nguyên tắc cơ bản để thực hiện đạo trung dung, cũng là phương pháp cơ bản để đối xử với tự nhiên, xã hội, để xử lý mối quan hệ giữa người với người. Những chuẩn mực, nguyên tắc nói trên càng chứng tỏ trung dung không phải là trung gian, không phải là điều hòa, càng không phải là chiết trung,  mà là muốn con người ta đừng nên có lối suy nghĩ cực đoan, làm việc một cách cực đoan, đi từ cực đoan này sang cực đoan khác. Có như vậy mới tránh được nguy hiểm mà ta không lường trước được. Khi một mâu thuẫn xảy ra, phải giải quyết thống nhất mâu thuẫn, tìm một cân bằng mới. Đó là tư tưởng trung dung.

Tư tưởng trung dung của Khổng Tử đã trở thành một phạm trù triết học. Trong đó, tư tưởng thái quá và bất cập được thể hiện rõ nhất. Nó bao hàm nhân tố tư tưởng rất phong phú của phép biện chứng. Khổng Tử rất tôn trọng tính quy luật khách quan của mâu thuẫn, coi trọng sự liên kết dựa vào nhau mà tồn tại của hai mặt đối lập trong cùng sự vật. Theo ông, mâu thuẫn hai bên đến một lúc nào đó sẽ xảy ra bài xích lẫn nhau, để rồi đạt tới một sự cân bằng của mâu thuẫn, để mâu thuẫn lại được thống nhất. Đặc biệt khi luận chứng về làm thế nào để đạt được sự cân bằng hai bên, làm thế nào để duy trì căn bằng, Khổng Tử đã có những kiến giải rất giá trị làm phong phú, sâu sắc thêm về những ý nghĩa bao hàm của phép biện chứng. Đây là một công hiến to lớn của Khổng Tử trong lịch sử phát triển nhận thức của nhân loại.

Bàn về chính trị Khổng Tử chủ trương nhân chính đức trị, muốn cho các giai cấp trong xã hội đều có chỗ đứng của mình, ai theo phận nấy, hy vọng các giai cấp có thể điều hòa được lợi ích, để cho xã hội không gặp phải những tổn thất nghiêm trọng về sức người, sức của, các triều đại kế tiếp nhau lấy cái hay, bỏ cái dở, tuần tự tiến lên.

Bàn về đạo đức, luân lý, Khổng Tử coi trung dung là đức sáng, là chân đế của đạo đức. Cho nên, ông chủ trương:

Về thái độ đối với người: cầu cạnh nịnh bợ là thái quá, coi thường là bất cập cùng yêu thương nhau là hợp với trung dung.

Về xã giao: ngạo mạn là thái quá, tự ty sợ sệt là bất cập, thành thực là hợp với trung dung.

Về xử sự: thô bạo là thái quá, nhu nhược là bất cập, dũng cảm là hợp với trung dung.

Về sử dụng đồng tiền: xa hoa lãng phí là thái quá, hà tiện là bất cập, khảng khái là hợp với trung dung.

Tư tưởng trung dung được những bậc thánh nhân, những nhà hiền triết cổ đại không chỉ ở Trung Quốc, mà còn ở Ân Độ và cổ Hy Lạp., , đều cùng đề xướng. Nguyên nhân sâu xa là đạo lý trung dung đã mang lại cho con người một lý tưởng sống chính đáng nhất, một biện pháp, một cách giải quyết phù hợp thống nhất được hai cực đoan làm cho cuộc sống giữa con người với con người hài hòa và vui vẻ, nhân loại nhờ đó không dẫn đến bị hủy diệt hay tan rã.

Trong hội nghị của các nhà khoa học được trao giải Nô-ben hòa bình tổ chức tại Pa-rỉ, mọi người đã tụyên bố: “Nhân loại nếu muốn sinh tồn trong thế kỷ XXI, phải hướng về học thuyết chung sống hài hòa của Khổng Tử - người của hơn hai nghìn năm trăm năm về trước”.

Cho nên, khi nghĩ đến trung dung là phải nghĩ đến một sự sắp xếp tốt nhất trong một điều kiện, một không gian, một thời gian nhất định. Không nên nghĩ rằng vì bất lực nên phải dựa vào trung dung, hay trung dung là nhường nhịn “chín bỏ làm mười”.

Trung dung là một tư tưởng giúp cho con người tìm được sự hoàn mỹ, hoàn hảo nhất; không thiên không lệch về bên nào; hòa khí với mọi người nhưng không a dua hùa theo người; không kéo bè kéo cánh; hòa nhưng không đồng hóa; hội nhập mà không hòa tan; hòa mình vào quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng, mà để hướng dẫn, giáo dục quần chúng. Trung dung không phải là thỏa hiệp, nhượng bộ, bảo thủ, lạc hậu, mà là một đức sáng giúp con người tự hoàn thiện mình đạt tới phẩm chất đạo đức cao nhất.

Sách Trung Dung là sự kế thừa và phát triển quan trọng tư tưởng trung dung của Khổng Tử, khiến cho trung dung không chỉ là quy phạm đạo đức mà trở thành phương pháp tư tưởng để quan sát thế giới, xử lý các vấn đề, thậm chí trở thành thế giới quan của con người.

3. Luận Ngữ

Khổng Tử là nhà tư tưởng, nhà văn hóa lớn của phương Đông và thế giới, đã được mệnh danh là bậc Đại Thành Chí Thánh Tiên Sư tức là người thầy cực kỳ tài giỏi của Trung Quốc. Trong kho trí tuệ đồ sộ mà Khổng Tử cống hiến cho nhân loại, phải kể đến Luận Ngữ (論語 Lùn Yǔ).

Luận Ngữ nguyên nghĩa là bàn về lời nói. Gọi là sách Luận Ngữ vì sau khi Khổng Tử mất, các học trò mới cùng nhau chép lại và bàn luận lời của Khổng Tử trả lời học trò và người đương thời cùng những lời của học trò hỏi đáp lẫn nhau để hiểu đúng và rõ ràng lời dạy của thầy. Có thể nói, toàn bộ tư tưởng triết học của Khổng Tử nằm trong Luận Ngữ, đi sâu lý giải mọi vấn đề chính trị, xã hộỉ, luân lý, đạo đức... một cách sâu sắc và uyên thâm.

Xuyên suốt tư tưởng của Khổng Tử là đạo nhân tức là đạo làm người, đạo vì con người. Khổng Tử cho rằng người ta trước phải tu thân, tề gia, sau mới nói đến trị quốc, bình thiên hạ được.

Trong việc tu thân, tề gia, người ta cũng phải gắn với đức nhân tức là tu dưỡng rèn luyện nội tâm để đạt được nguyên tắc đạo đức tối cao bao gồm những đức như trung, thứ, hiếu, đễ, cung, khoan, tín, mẫn, huệ. Đạt được như vậy, người ta đã xác lập được nhân cách tiêu chuẩn là người quân tử. Khi ấy, con người ta sẽ biết coi trọng luân thường đạo lý, biết sống có trách nhiệm, biết đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân, tránh được chủ nghĩa cá nhân làm sa đọa con người và xã hội.

Để trị quốc, bình thiên hạ, người cầm quyền phải tu thân, tề gia rồi mới thi hành đức trị theo lễ giáo, từ đó mà cảm hóa dân chúng, khiến cho dân chúng phục tùng sự cai trị của mình. Đặc biệt, Khổng Tử rất chú trọng về lễ, tức là trật tự trong trị nước. Ông đã đề ra thuyết chính danh yêu cầu “vua trọn đạo làm vua, tôi trọn đạo làm tôi, cha trọn đạo làm cha, con trọn đạo làm con, coi chính danh là biện pháp lớn để trị nước. Một tư tưởng lớn khác của Khổng Tử là “không lo của cải ít, chỉ lo phân phối không đều; không lo dân không đông, mà chỉ lo lòng dân không yên, để từ đó mà xây dựng nên thế giới “đại đồng”. Ở thời ấy mà Khổng Tử đã nêu ra tư tưởng như vậy, thực có giá trị cho tới tận mai sau.

Quan điểm của Khổng Tử về chân - thiện - mỹ cũng phản ánh rõ tư tưởng triết học và đạo đức của ông. Khổng Tử chủ trương phải thống nhất giữa mỹ và thiện mà thiện phải đặt ra trước hết, hình thức và nội dung của văn học nghệ thuật phải đạt tới sự thống nhất hài hòa.

Nội dung của Luận Ngữ thật là sâu sắc trong mọi phương diện học tập, giáo dục, xử thế và trị nước an dân. Lời văn của Luận Ngữ thật trong sáng, cô đọng thành những danh ngôn bất hủ, nên rất sinh động, dễ tiếp thu. Vì vậy, ngày nay Luận Ngữ vẫn không mất đi giá trị chân thực mà ngày càng có ảnh hường rộng rãi, trở thành viên ngọc quý trong kho tàng văn hóa phương Đông và nhân loại.

4. Mạnh Tử

Mạnh Tử (孟子 Mèng Zǐ) được coi là người đã kế thừa và phát triển xuất sắc học thuyết Nho gia do Khổng Tử đề xướng. Tuy kế thừa tư tưởng của Khổng Tử, nhưng Mạnh Tử đã phát triển và hoàn thiện, tập trung vào những luận điểm quan trọng là tính thiện, vương đạo nhân chính và nhân nghĩa.

Trong sách Tam Tự Kinh trước đây là sách cho người mới đi học, câu mở đầu là “Nhân tri sơ, tính bản thiện” nghĩa là con người ta sinh ra vốn thiện. Đây chính là tư tưởng của Mạnh Tử về bản tính thiện của con người. Khổng Tử thì chú trọng dạy về cách làm người. Mạnh Tử lại chú trọng truy tìm bản thể phía sau hiện tượng xã hội và tự nhiên, lấy việc hoàn thiện tu dưỡng đạo đức làm khởi điểm cho việc nhận thức chân lý. Đặc biệt, khi bàn về bản tính con người, Mạnh Tử đã đi sâu để bàn về tâm, tổng kết hàng loạt khái niệm trước đó về tâm, làm rõ sự khác nhau giữa tâm với các khí quan khác như tai, mắt... và nêu ra mệnh đề “tâm thì để tư duy”. Chính mệnh đề này đã ảnh hưởng rất sâu sắc trong nhận thức, coi tâm là phương tiện truyền tải nhằm thực hiện việc tự mình làm thức tỉnh và hoàn thiện con người, từ đó nêu ra những khái niệm về lòng thương xót, xấu hổ, căm ghét.... Trên cơ sở đó, ông khuyên mọi người coi trọng việc tu dưỡng nội tâm, bảo tồn tính thiện để hoàn thiện những phẩm cách tốt đẹp.

Mạnh Tử còn bàn nhiều vể vương đạo nhân chính trên cơ sở tiếp thu luận điểm đức trị và lề giáo của Khổng Tử, nhằm thu phục nhân tâm, thống nhất thiên hạ. Ông khẳng định quan niệm về vương đạo nhân chính là phải biết coi: “Dân quý nhất, thứ đến xã tắc, rồi mới đến vua”, và cho rằng nhà vua nên cùng chúng dân chung hưởng lạc thú, tạo điều kiện cho dân làm ăn sinh sống. Như vậy, Mạnh Tử đã nhấn mạnh mối quan hệ hai chiều giữa vua và dân, tức là ít nhiều đã có yếu tố dân bản; mặc dù yếu tô dân bản đó hình thành trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của nhà cầm quyền.

Mạnh Tử còn bàn sâu về nhân nghĩa, coi nhân là nơi ở rộng rãi nhất, còn nghĩa là con đường lớn nhất, sống phải có nơi ở, đi lại phải có đường, từ đó coi nhân nghĩa gắn bó với con người, là đích để tu dưỡng và rèn luyện.

Những lời thuyết giải của Mạnh Tử với các bậc vua, quan và học trò về những nội dung có tầm vóc lớn như vậy, nhưng ông khéo lý giải những vấn đề phức tạp bằng những ví dụ, ngụ ngôn giàu hình tượng cho nên thật dễ hiểu, hấp dẫn mà đậm chất hùng biện.

Tư tưởng của Mạnh Tử chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống tư tưởng Nho gia, được các triều đại trước đây hết sức tôn trọng coi là đạo lý kinh điển trong việc trị quốc an dân. Trong bộ sách Tứ Thư, có thể coi sách Mạnh Tử là dẫn giải thêm, chú giải thêm cho sách Luận Ngữ, cho nên chiếm nội dung rất quan trọng trong cả bộ sách.

(Nguồn: Tứ thư-Trần Trọng Sâm, Kiều Bách Vũ Thuận biên dịch, Nhà xuất bản QĐND 2003)

| Trung tâm Tiếng Trung Ánh Dương