Tìm hiểu về Tam thập nhi lập

18/01/2018 07:00
Tam thập nhi lập 三十而立 Sānshí érlì là lời dạy của Đức Khổng Tử. Có người nói lập trong tam thập nhi lập nghĩa là lập gia, lập nghiệp, lập thân

Tam thập nhi lập

Tìm hiểu về Tam thập nhi lập

“Tam thập nhi lập”, đây có thể là câu nói mà bạn đã từng nghe qua ai đó nhắc đến, nhất là những người ở độ tuổi ba mươi. Vậy “tam thập nhi lập” là gì? Mời bạn cùng Tiếng Trung Ánh Dương tìm hiểu nhé!

“Tam thập nhi lập” 三十而立 Sānshí érlì là lời dạy của Đức Khổng Tử. Có người nói “lập” trong “tam thập nhi lập” nghĩa là lập gia đình (lập gia), xây dựng sự nghiệp (lập nghiệp), tu dưỡng bản thân (lập thân). Bất luận là cách giải thích nào, đều không thoát khỏi chữ “lập”. Vậy đến cùng lời dạy của Khổng Tử mang ngụ ý gì? Trong “Luận Ngữ”, Khổng Tử có nói: “Lập vu lễ” (lập tức là lễ), Người còn nói: “Bất tri lễ, vô dĩ lập dã” (người không biết lễ nghĩa, khó nên thành tựu). Vì vậy, Khổng Tử nói “tam thập nhi lập” ý chỉ Người ở tuổi 30 (tam thập) đã hiểu được lễ nghĩa, lời nói và việc làm đều thỏa đáng.

Lời dạy của Khổng Tử về đạo làm người
Tề gia trị quốc bình thiên hạ

Khổng Tử đã từng giãi bày với học trò: “Ta mười lăm tuổi đã có chí học tập, ba mươi tuổi thì tự lập thân (tam thập nhi lập), bốn mươi tuổi thì không còn nghi hoặc gì cả (tứ thập nhi bất hoặc), năm mươi tuổi thì biết được mệnh giời (ngũ thập nhi tri thiên mệnh),…Khổng Tử cho rằng tuổi 30 là cột mốc quan trọng trong cuộc đời người đàn ông, con người ở tuổi 30 như trái cây vừa chín, có nghĩa là không quá chính và không quá xanh. Sự nghiệp, công danh bắt đầu từ độ tuổi này là vừa, nếu sớm quá thì e là không tốt, nếu trễ hơn thì sợ không đủ thời gian. Quả vậy, đàn ông 30 là kết quả của những năm tháng tuổi trẻ dấn thân vào làm việc không biết mệt mỏi, bắt đầu bước vào giai đoạn ổn định của cuộc đời, sống như những gã đàn ông trưởng thành.

Tuổi 30, con người bước qua sự sôi nổi của tuổi thanh xuân, bắt đầu một giai đoạn mà cuộc sống cần nhiều hơn sự ổn định, chính chắn. Đặc biệt với đàn ông, “tam thập nhi lập”, họ cần sự ổn định, cần những nền tảng cơ bản để gánh vác những trách nhiệm mới của người chồng, người cha. 

Thời xưa, bàn về “lập” có “tam lập”: lập công, lập đức, lập ngôn. 

Đóng góp, cống hiến cho đất nước và dân tộc, đem lại hạnh phúc cho chúng sinh, ấy là lập công. Có sự tu dưỡng đạo đức tốt, ý thức cao, ấy là lập đức. Dùng thành quả tư tưởng của chính mình để giao lưu với thế giới, làm phong phú kho tàng văn minh nhân loại, ấy là lập ngôn. 

Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, những thay đổi và ảnh hưởng của nhiều yếu tố như giáo dục, phân tầng xã hội, kinh tế,…và sự thay đổi quan niệm của mọi người khiến cho giới trẻ thực hiện tư tưởng “tam thập nhi lập” truyền thống không hề dễ dàng. Ngày nay, đàn ông ba mươi tuổi chưa lập gia đình đã trở nên thường gặp, rất nhiều người trẻ không có công việc ở tuổi 30. Vậy thì, tư tưởng “tam thập nhi lập” trong xã hội hiện đại đã biến đổi như thế nào?

Người Trung Quốc có câu “三年大旱饿不死手艺人” (hạn hán ba năm cũng không thể khiến người có tay nghề chết đói). Trong xã hội hiện nay, nhiều người cho rằng, lập thứ nhất trong “tam lập”, chính là “lập nghệ”. “Nghệ” ở đây chính là tay nghề, kỹ thuật, các kỹ năng để bạn tồn tại, cạnh tranh và phát triển trong xã hội hiện đại.

“Lập” thứ hai chính là “lập hướng”, tức là có định hướng rõ ràng. Khi con người bước sang tuổi 30, đó chính là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời, đã không còn là con thuyền mới ra khơi, mà là con thuyền đã căng buồm ra khơi được một thời gian dài, nếu như không xác định được phương hướng cho chính mình, nguy hiểm biết bao. Do vậy, ở tuổi 30, bạn cần có mục tiêu và định hướng rõ ràng cho bản thân, thiết lập ra hướng phát triển cho chính mình.

“Lập” thứ ba là “lập tâm”. Ở tuổi 30, bạn cần có một thái độ ổn định và tâm hồn trưởng thành, biết được bản thân đang làm gì. Sự ổn định này không chỉ thể hiện ở cảm xúc, mà còn ở cách bạn ứng xử với thế giới xung quanh. Bạn có thể không thành công khi chạm ngưỡng tuổi 30. Nhưng đừng vội cho mình là kẻ thua trận. Tích lũy cho mình đủ kiến thức, kinh nghiệm, đủ tinh tế và tỉnh táo để nhìn ra thời cơ rồi năm bắt. 

Trong bài viết ngày hôm nay, Tiếng Trung Ánh Dương đã giới thiệu với các bạn về tư tưởng “tam thập nhi lập” của Khổng Tử, cùng với đó là sự biến đổi của “tam thập nhi lập” xưa và nay. Hy vọng bài viết này có thể đem đến cho các bạn những kiến thức bổ ích và thú vị. Cảm ơn các bạn đã theo dõi!
 

| Trung tâm Tiếng Trung Ánh Dương