PHONG THỦY ĐỐI VỚI VĂN PHÒNG VÀ CỬA HÀNG
Có nhiều điểm giống nhau giữa quy tắc Phong thủy đối với ngôi nhà và văn phòng. Các quy tắc về Phong thủy của môi trường xung quanh, vị trí vùng khí và hướng cửa chính còn đem áp dụng cho các văn phòng và cửa hàng. Một số nhà địa lý sử dụng các hướng dẫn sau khi xem hướng để cố vấn cho việc mở các cơ sở kinh doanh:
Xem thêm: Phong thủy trong thiết kế nội thất
Cùng với ngày hoàn tất thi công ngôi nhà, việc chọn ngày tốt để khai trương chính thức có thể tìm thấy trong Thông Thư, sách lịch Trung Hoa. Người Trung Quốc cho rằng quyển niên lịch này được soạn cách nay nhiều thế kỷ và hiệu đính vào đầu những năm 1900 dựa trên thông tin liên quan đến vị trí của các chòm sao. Quyển niên lịch này liên hệ giữa sao với biểu tượng số tử vi được đề cập trên la bàn Phong thủy.
Tầm quan trọng của địa chỉ
Theo giới Phong thủy, số địa chỉ của một cửa hàng hay văn phòng có ý nghĩa quan trọng. Số 2,5,6,8,9, và 10 mang ý nghĩa may mắn: 2 có nghĩa dễ dàng, 5 có nghĩa hài hòa với ngũ hành, 6 tượng trưng cho của cải, 8 có nghĩa trở nên giàu có, 9 là trường thọ và 10 có nghĩa chắc chắn. Như vậy một địa chỉ văn phòng như 289 có nghĩa “dễ dàng trở nên giàu có trong một thời gian dài” hay “công việc kinh doanh sẽ phát đạt suốt một thời gian dài”. Mặt khác, số 744 có nghĩa “chắc chắn chết” hoặc “công việc kinh doanh sẽ không thành công”. Số 4 không được ưa chuộng vì trong tiếng Quảng Đông nó phát âm giống từ “tử” có nghĩa là chết, số 1 cũng không thông dụng mặc dù nó không nhất thiết là điềm xấu.
Người Hoa luôn thích dùng con số theo cặp hơn vì muốn tượng trưng cho tính nhị hợp và do vậy muốn tránh cảm giác cô độc. Số 3 không phổ biến lắm mặc dù nó phát âm giống như từ “còn sống” trong tiếng Quảng Đông. Tuy nhiên, một số người vẫn thích sử dụng con số này như trong 7373 có nghĩa là “chắc chắn tiếp tục tồn tại”.
Ý nghĩa của tên cửa hàng
Việc treo các bảng hiệu và tên của các cửa hàng có ý nghĩa quan trọng. Các bảng hiệu phải được treo lên vào giờ tốt hợp với số tử vi của chủ cửa hàng.
Tên cửa hàng phải chứa đựng ý nghĩa của vận may tốt, của cải và thành đạt. Các tên thường dùng cho cửa hàng: “Thuận Lợi” mang ý nghĩa “dễ dàng thành công”, “Phát Đạt” có nghĩa “thịnh vượng và thành công”, “Quảng Lợi” là “thành công lớn”, “Quảng ích” là “ích lợi lớn” và “Kiết Tường” có nghĩa “vận may”; mặt khác, nếu tên của cửa hàng mang ý nghĩa xâu, việc kinh doanh sẽ không tiến triển tốt. Cửa hàng có tên “Bất Lợi” không sớm thì muộn cũng sẽ đóng cửa. Một số nhà Phong thủy dùng quy tắc ngũ hành để đặt tên thích hợp cho cửa hàng. Biểu đồ bên dưới cung cấp một số tên thông dụng và thuộc tính ngũ hành liên quan.
Khi ngũ hành (và các từ tương quan) kết hợp lại như sau để tạo thành tên của các bảng hiệu cửa hàng, chúng có thể mang ý nghĩa tốt và xấu. Các cách kết hợp này mang ý nghĩa tốt:
Thủy + mộc (thủy sinh mộc)
Mộc + hỏa (mộc sinh hỏa)
Hỏa + thổ (hỏa sinh thổ)
Thổ + kim (thổ sinh kim)
Kim + thủy (kim sinh thủy)
Các cách kết hợp sau mang ý nghĩa xấu:
Thủy + hỏa (thủy khắc hôa)
Hỏa + kim (hỏa khắc kim)
Kim + mộc (kim khắc mộc)
Mộc + thổ (mộc khắc thổ)
Thổ + thủy (thổ khắc thủy)
Các nhà địa lý thích đặt tên cửa hàng theo ký tự Hán ngữ có một số nét nhất định. Ký tự có nét lẻ thuộc dương và có nét chẵn là âm ví dụ như ký tự 一 (nhất) thuộc dương và 二 (nhị) thuộc âm. Tên cửa hàng theo ký tự có trật tự số nét chữ lẻ/chẵn (dương/âm) mang ý nghĩa tốt như là các trật tự khác như âm/dương, âm/âm/dương và âm/dương/dương. Các trật tự mang ý nghĩa xấu: âm/dương/âm và dương/âm/dương.
Phong thủy và thiết kế văn phòng
Một số nhà Phong thủy cho rằng văn phòng ở cuối hành lang trung tâm mang ý nghĩa xấu vì sát khí từ hành lang có thể tác động xấu đến người ở trong phòng. Nên chuyển cửa của văn phòng có vị trí ở cuối hành lang dài ra khỏi lối hành lang đó để tránh sát khí. Trong một số văn phòng, người ta đặt một tấm bình phong ở lối cửa vào để ngăn cản và tránh cho sát khí thổi trực diện vào bên trong. Phương pháp này được áp dụng trong các ngôi nhà ở Bắc Kinh.
Bàn làm việc của người quản lý và két bạc của nhân viên kế toán là những vật dụng văn phòng quan trọng nhất. Nên sắp xếp các đồ đạc này theo tử vi của người giám đốc điều hành. Bàn viết phải có kích thước phù hợp. Ở một số công ty, chân bàn được khoan đóng vít vào nền nhà để tránh tuột khỏi vận may.
Đặt bàn viết trực diện cửa sổ là dấu hiệu Phong thủy và thiết kế nội thất xấu vì ánh sáng chiếu vào từ bên ngoài sẽ làm chói mắt. Các tia bức xạ mặt trời thậm chí có thể trở nên mạnh hơn khi đến gần cửa sổ. Bố trí bàn và ghế ngồi của người quản lý trước một cửa sổ lớn cũng là một cách sắp xếp sai. Vào những ngày trời sáng, khách hàng khó mà nhìn thấy người quản lý do đó ánh sáng chói mắt và khuôn mặt người quản lý lại ở trong bóng râm.
Nếu cần treo màn cửa sổ, nên sử dụng các hoa văn về cây tre, hoa cúc hay ký tự tượng trưng cho vận may in trên đó. Một số nhà địa lý còn đề nghị đặt các chậu cây cảnh như tre hay cúc, tượng điêu khắc về con ngựa (tượng trưng cho năng lực và sức lực) và con rùa (cho trường thọ), bể cá cảnh và các ống sáo ở các vị trí quan trọng của văn phòng để loại trừ tà khí và kích hoạt long khí.
Hệ thống ánh sáng trong văn phòng phải được bố trí đều khắp để tạo vẻ cân bằng và hài hòa. Hệ thống thông khí tự nhiên được ưa chuộng hơn các máy điều hòa vì làn gió nhẹ có tác dụng xua đi tử khí. Cần thiết kế văn phòng tránh các luồng gió lùa mạnh có thể gây bệnh cho những nhân viên văn phòng và phá vỡ sự cân bằng của khí.
Nội thất của một văn phòng phải thiết kế hay sắp xếp sao cho người quản lý ngồi quay lưng về phía tâm vách ngăn vững chắc. Vị trí này tạo nên thế tựa lưng giống như khu đồi che chở ngôi nhà hay rặng núi che chắn cho một thành phố. Các vách ngăn khác trong văn phòng phải bố trí hợp lý sao cho không làm gián đoạn dòng khí. Ví dụ, không nên đặt vách ngăn che khuất mất tầm nhìn ra biển.
Theo một số thầy Phong thủy, các thang máy di chuyển ầm ầm và được sơn màu đen không phải là dấu hiệu Phong thủy tốt. Các vòi phun nước bên ngoài cơ sở kinh doanh phải được đặt theo hướng của dòng khí và tia nước phun lên cao mang ý nghĩa Phong thủy tốt.
(Nguồn: TS.KTS E.LIP, Nghệ thuật kiến trúc theo văn hóa cổ Trung hoa, Nguyễn Hoàng Hải dịch, Nhà xuất bản văn hóa thông tin, 1999)