Tìm hiểu về Tết truyền thống Trung Quốc

21/01/2019 15:20
Tìm hiểu về nguồn gốc lịch sử và các phong tục tập quán của ngày tết Trung Quốc

Lịch sử và các phong tục truyền thống ngày Tết Trung Quốc

Tết Nguyên Đán là dịp lễ lớn nhất trong năm đối với người Trung Quốc, là dịp để mọi người có thể quây quần, đoàn tụ bên gia đình. Nhưng Tết Nguyên Đán của người Trung Quốc có gì đặc biệt, hãy cùng Tiếng Trung Ánh Dương ngược dòng lịch sử để tìm hiểu và có câu trả lời về nguồn gốc và các phong tục tập quán trong ngày tết Trung Quốc nhé

Tết Đoan Ngọ
Tết Trùng Cửu
Tết Nguyên Tiêu 

I. Nguồn gốc của Tết Trung Quốc

Có nhiều câu chuyện về nguồn gốc của dịp lễ này, trong đó một câu chuyện được truyền tai nhau nhiều nhất, đó là Tết Nguyên Đán bắt nguồn từ truyền thuyết chống lại con Niên của người xưa. Theo truyền thuyết kể lại, rất lâu rất lâu về trước, ngoài biến lớn có một con quái vật, gọi là Niên. Hàng năm vào đêm giao thừa, Niên sẽ xuất hiện, ăn thịt người và gia súc, khiến cuộc sống của nhân dân vô cùng bấp bênh. Mọi người đều rất sợ con quái vật này. Vào một ngày trước đêm giao thừa nọ, có một người ăn xin đến xin cơm ở nhà của một bà lão. Bà lão tốt bụng đưa cho người ăn xin một bát cơm, buồn phiền mà than rằng: “Ôi! Ngày mai con Niên lại đến rồi, chúng ta sẽ không sống nổi mất!”. Người ăn xin nhìn y phục màu đỏ của bà lão, lắc đầu: “Con Niên sợ màu đỏ và tiếng pháo nổ, ngày mai bà hãy mặc trang phục màu đỏ, treo câu đối đỏ trước cửa nhà, con Niên mà đến thì hãy đốt pháo, có thể tránh được tai họa.”

Ngày hôm sau, con Niên đến, mọi người bèn cùng nhau đốt pháo, tiếng pháo nổ khiến con Niên sợ hãi chạy mất. Sau đó, mọi người đều đốt pháo vào đêm giao thừa hàng năm, khiến Niên không dám quay lại.

Ngoài ra, còn một câu chuyện khác lý giải về nguồn gốc của ngày lễ này, đó là câu chuyện về vua Thuấn cúng tế trời đất hơn 4000 năm về trước. Từ đấy, mọi người coi ngày này là ngày đầu tiên của năm, đó chính là ngày mùng 1 tháng Giêng. 

II. Thời gian của tết Trung Quốc

Theo truyền thống của người Trung Quốc, dịp Tết Nguyên Đán bắt đầu từ ngày mùng 1 tháng 1 âm lịch, kéo dài đến ngày 15 tháng Giêng (Tết Nguyên Tiêu). Đây là dịp để bạn bè và gia đình quây quần bên nhau, là dịp để thắt chặt tình cảm giữa mọi người. Những người học tập và làm việc xa nhà, đều sẽ về nhà vào dịp này để đoàn tụ bên gia đình.

Đêm cuối cùng của năm cũ chính là ngày 30 tháng 12 âm lịch, được gọi là đêm giao thừa, đêm đoàn viên. 

III. Các phong tục truyền thống vào dịp Tết ở Trung Quốc

Trong quá trình phát triển của lịch sử, đã hình thành một số phong tục tập quán tương đối cố định, phần lớn những phong tục này vẫn được lưu truyền đến ngày nay.

Từ những ngày 23 hoặc 24 tháng Chạp, người Trung Quốc bắt đầu đưa ông Táo về trời, dọn dẹp nhà cửa, mua sắm đồ tết,…Tất cả các hoạt động này nhằm “bỏ cái cũ, đón cái mới”.

Ngoài ra, các gia đình ở Trung Quốc sẽ treo một cặp câu đối đỏ ở cửa vào ngày 28, 29 hoặc 30 tháng Chạp. 

Vào đêm giao thừa, các thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau, cùng nhau thưởng thức các món ăn, cùng nhau chia sẻ những câu chuyện của năm cũ, người lớn sẽ trao tiền lì xì cho trẻ em.

Trong buổi sáng ngày đầu tiên của năm mới, người Trung Quốc sẽ thắp hương để tỏ lòng thành kính với tổ tiên, trời đất, sau đó sẽ lần lướt chúc tết người trên, tiếp theo là bạn bè và các thành viên trong gia đình chúc mừng nhau. Sau ngày mùng một, các hoạt động chào mừng năm mới sẽ được tổ chức, đem lại không khí lễ hội cho mùa xuân.

Các hoạt động chào mừng năm mới ở Trung Quốc vô cùng phong phú, bao gồm múa lân, đua thuyền, cúng tế, ngắm hoa đăng, đốt pháo hoa, hoặc là đi cà kheo, múa ương ca (một điệu múa dân gian của Trung Quốc),…

Trong dịp này, nhiều nơi ở Trung Quốc cũng tổ chức các lễ hội long trọng để tạ ơn trời đất, thỉnh cầu may mắn cho năm mới. 

IV. Các món ăn vào ngày Tết ở Trung Quốc

Các món ăn truyền thống vào ngày tết ở Trung Quốc bao gồm

a. Cháo Lạp Bát
Vào dịp Tết Lạp Bát (mồng 8 tháng Chạp, là ngày cúng tổ tiên và tế thần, cầu mong ngũ cốc phong đăng, mọi điều tốt lành), người Trung Quốc có thói quen ăn cháo Lạp Bát, bất kể giàu hay nghèo.

b. Bánh tổ
Bánh tổ, hay còn gọi là niên cao, là một loại bánh được làm từ gạo nếp và đường. Người phương Nam có thói quen ăn bánh tổ vào năm mới. Bánh tổ ngọt và dính, tượng trưng cho sự ngọt ngào của năm mới. 

c. Sủi cảo
Sủi cảo, còn gọi là bánh chẻo, là một loại bánh hập truyền thống của người Trung Quốc. Người phương Bắc có thói quen ăn sủi cảo vào đêm giao thừa. Sủi cảo thể hiện cho mong đợi của mọi người vào một năm mới may mắn.

Xem thêm: Các món ăn truyền thống của Trung Quốc

V. Một số từ vựng tiếng Trung liên quan tới Tết Nguyên Đán

1. 春节 /Chūnjié/: Tết Nguyên Đán
2. 新春 /Xīnchūn/: Năm mới, tân xuân
3. 新年 /Xīnnián/: Năm mới
4. 文化内涵 /Wénhuà nèihán/: Ý nghĩa văn hóa
5. 春节期间 /Chūnjié qíjiān/: Dịp Tết
6. 庆贺新春活动 /Qìnghè xīnchūn huódòng/: Hoạt động chào đón năm mới
7. 迎禧接福 /Yíng xǐ jiē fú/: Chào đón may mắn và niềm vui
8. 传统节日/Chuántǒng jiérì/ Ngày lễ truyền thống
9. 元日/Yuán rì/: Mùng một tết
10. 除夕 /Chúxì/: Đêm giao thừa
11. 传统民俗 /Chuántǒng mínsú/: Phong tục truyền thống
12. 除旧布新 /Chújiùbùxīn/: Tiễn cái cũ, đón cái mới
13. 辞旧迎新 /Cí jiù yíngxīn/: Tiễn năm cũ, đón năm mới
14. 合家团圆 /Héjiā tuányuán/: Gia đình đoàn tụ
15. 团聚 /Tuánjù/: Đoàn tụ, đoàn viên
16. 团年饭 /Tuán niánfàn/: Bữa cơm đoàn viên
17. 压岁钱 /Yāsuìqián/: Tiền lì xì, tiền mừng tuổi
18. 守岁 /Shǒusuì/: Đón giao thừa
19. 拜年 /Bàinián/: Chúc tết
20. 祝贺 /Zhùhè/: Chúc mừng

Xem thêm: Từ vựng tiếng Trung về Tết Nguyên Đán

Qua bài viết này, chắc hẳn các bạn đã hiểu rõ hơn về tết truyền thống ở Trung Quốc rồi phải không nào? Nhân dịp năm mới sắp đến, Tiếng Trung Ánh Dương xin chúc các bạn một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý!
 

| Trung tâm Tiếng Trung Ánh Dương