Giới thiệu về các loại rượu Trung Quốc

13/12/2018 03:30
Tìm hiểu và giới thiệu về lịch sử và sự phát triển của các loại rượu của Trung Quốc



Giới thiệu về rượu Trung Quốc

Trong văn hóa Trung Hoa, rượu là một phần không thể thiếu từ xưa đến nay. Dù là trong đời sống hay thơ ca, chúng ra đều có thể bắt gặp hình ảnh chén rượu. Rượu gặp tri kỷ ngàn chén thiếu, khi gặp người bạn tri kỷ, cho dù uống một ngàn chén rượu với nhau vẫn cảm thấy chưa đủ. Trong bài viết ngày hôm nay, mời bạn cùng Tiếng Trung Ánh Dương ngược dòng thời gian, tìm hiểu về lịch sử và sự phát triển của các loại rượu Trung Quốc nhé!

Món đậu phụ thối của Trung Quốc
Các món dimsum phổ biến ở Trung Quốc

1. Lịch sử về rượu Trung Quốc

Chúng ta đều đã biết, Trung Quốc là quốc gia nổi tiếng về rượu và trà. Tuy nhiên theo nghiên cứu, rượu có lịch sử lâu đời hơn cả trà. Rượu bắt đầu được sản xuất từ thời nhà Hạ cách đây gần 4000 năm. Theo ghi chép, người ta đã khai quật được vỏ bình rượu tại Hà Nam năm 1986 có tuổi đời hơn 3000 năm.

Theo ghi chép, việc phát minh ra rượu hoàn toàn là do vô tình. Có một lần, Đỗ Khang để cơm thừa vào thùng dâu tằm, qua một thời gian, cơm dần lên men, tạo ra chất lỏng có mùi thơm. Đỗ Khang uống thử và thấy có vị ngọt, từ đó lấy cảm hứng và phát minh ra rượu.

2. Rượu trong văn hóa Trung Hoa

Với nguồn gốc lâu đời thì văn hóa rượu là một hình thức văn hóa đặc biệt của người Trung Quốc, gần như thâm nhập vào mọi mặt của đời sống xã hội. Tục ngữ Trung Quốc có câu “无酒不成席” (Vô tửu bất thành tịch: không có rượu thì không thành tiệc); “无酒不成礼仪” (Vô tửu bất thành lễ nghi: không có rượu thì không thành lễ nghĩa), từ đó có thể thấy được vị trí to lớn của rượu trong nền văn hóa Trung Hoa. Từ trước tới nay, trên bàn tiệc của người Trung Quốc chưa từng vắng bóng ly rượu. 

Vào thời xa xưa, ly rượu là một thứ không thể thiếu trong các buổi yến tiệc của vua quan và hoàng đế. Hoặc là trước những cuộc chiến sinh tử, tướng lĩnh và binh lĩnh sẽ cùng nhau uống cạn chén rượu, thể hiện sự tôn trọng, trung thành với Tổ quốc, cũng là để nâng cao tinh thần chiến đấu. Hẳn những mọt phim cổ trang đều không còn xa lạ với những hình ảnh những nhân vật trong phim kết tình huynh đệ đều đi liền với chén rượu. Rượu đã là một yếu tố không thể thiếu và đi sâu vào sử sách của người dân Trung Hoa.

Trong lịch sử Trung Quốc, có rất nhiều câu chuyện kể liên quan đến rượu: Nhà thơ Đào Tiềm thời Tấn không thể một ngày không có rượu; “Tiên Tửu” Lý Bạch thời Đường “uống một đấu rượu, viết trăm bài thơ”, uống càng nhiều viết thơ càng hay; anh hùng Võ Tòng trên Lương Sơn một hơi uống liền 18 bát rượu, tay không giết hổ;…

Ngày nay, rượu vẫn giữ được vị trí và tầm quan trọng của mình. Người Trung Quốc hiện đại thường uống rượu vào những ngày lễ lớn như Tết Nguyên Đán, Tết Trùng Cửu, Tết Nguyên Tiêu,…hoặc các bữa tiệc, dịp vui như cưới hỏi, tiệc đầy tháng, mừng thọ, sinh nhật,…Ngoài ra, ở vùng Thiệu Hưng (Triết Giang) còn có tập tục ủ “Nữ nhi hồng”. Tại đây, khi sinh con gái, cha mẹ sẽ đợi ngày con đầy tháng rồi chọn vài vò rượu thượng hạng, dán kín miệng, chôn xuống đất hoặc trong hầm. Đợi đến khi con gái lấy chồng sẽ lấy ra thiết đãi bạn bè và người thân. 

3. Các loại rượu phổ biến ở Trung Quốc

Ở Trung Quốc, có hai loại rượu truyền thống chính là rượu lên men (Hoàng Tửu -黃酒) có màu sắc trong, hoặc màu đỏ nâu; và rượu chưng cất (Bạch Tửu - 白酒) màu sắc trong vắt. Ngoài ra còn có rượu nho (Bồ Đào Tửu -葡萄酒) tuy không phải loại rượu cổ truyền, nhưng ngày càng được tiêu thụ nhiều ở Trung Quốc do sự ảnh hưởng của phương Tây. Các loại rượu này thường được hâm nóng trước khi uống bởi làm như vậy vừa giúp rượu thơm hơn, vừa không làm mất đi độ cồn của rượu.

a. Bạch Tửu -白酒

Rượu trắng – Bạch tửu là loại rượu được làm ra bằng phương pháp chưng cất nước rượu đã lên men. Loại rượu này có độ cồn rất cao, hơn 30% thể tích sau khi đã chưng cất. Đặc điểm của rượu trắng là trong suốt không màu, hương thơm đậm đà. Rượu trắng có nhiều loại hương vị khác nhau tùy theo phương pháp chưng cất, vì thế chúng được nhóm theo loại hương vị, có 5 loại hương vị chính:
- Thanh Hương (清香 – Hương vị nhẹ nhàng): Một loại rượu thơm, không ngọt và có vị thanh khi uống vào.
- Nùng Hương (浓香 – Hương vị nặng): Rất thơm khi uống, vị ngọt và cay, dư vị kéo dài.
- Tương Hương (酱香 – Hương vị tương xì dầu): Loại rượu có hương vị rất mạnh, có mùi dầu hay mùi hôi của chuồng nuôi gia súc, và với sự kết hợp của cồn tạo nên mùi khai rất khó chịu nếu không quen. Tuy nhiên những người yêu thích loại rượu này thì lại cho rằng nó có hương vị rất nồng nàn. Một trong những loại rượu phổ biến nhất của thể loại rượu này chính là rượu Mao Đài 茅台酒 Máotái jiǔ
- Mễ Hương (米香 – Hương vị lúa gạo): Là loại rượu chưng cất từ gạo với vị ngọt ngào và dự vị nhẹ nhàng.
- Phục Hương (复香 – Nhiều hương vị): Một loại rượu chứa đặc tính của Tương Hương, Nùng Hương và Thanh Hương. Một thí dụ về loại rượu này là rượu Tây Phượng Tửu (西凤酒), được sản xuất tại Phượng Tường, tỉnh Thiểm Tây.

b. Hoàng Tửu -黃酒

Hoàng tửu là một loại rượu của người Trung Hoa được làm ra từ gạo, kê hay lúa mì. Không giống Bạch tửu, Hoàng tửu là loại rượu không được chưng cất, do đó chứa nồng độ cồn ít hơn (khoảng 20% thể tích). Các loại rượu Hoàng tửu khác nhau từ màu sắc trong cho đến đục, màu nâu vàng hoặc nâu đỏ. Người Trung Hoa thường phân loại loại rượu này dựa theo độ ngọt của nó.

c. Bồ Đào Tửu -葡萄酒

Rượu nho Trung Hoa là loại rượu được sản xuất từ trái nho Trung Hoa. Loại rượu này lần đầu được nhắc đến qua văn thơ nhà Hán cách đây hơn 2000 năm. Rượu nho có lịch sử lâu đời tại Trung Hoa, cùng với các loại rượu khác.
Bắt đầu từ năm 1980, rượu Pháp và các nước phương Tây hiện diện tại thị trường Trung Hoa. Những nhà sản xuất rượu nho Trung Hoa học theo cách người Pháp làm rượu nho và cho đến hiện nay, Trung Quốc đang sắp trở thành thị trường rượu nho lớn nhất trên thế giới.

Vừa rồi Tiếng Trung Ánh Dương đã giới thiệu với các bạn về lịch sử, giá trị văn hóa cũng như một số loại rượu chính ở Trung Quốc. Hy vọng qua bài viết này, cách bạn đã có thêm những hiểu biết về đất nước Trung Quốc. Cảm ơn các bạn đã theo dõi!
 

| Trung tâm Tiếng Trung Ánh Dương