Tứ thư - Đại Học - Chương 1 - Thánh Kinh

01/12/2015 07:30
Tứ thư - Đại Học - Chương 1 - Thánh Kinh. Đạo học lớn cốt để biết phát huy đức sáng đức tốt đẹp của con người

 

Tứ thư - Đại Học - Chương 1 – Thánh Kinh

 

1. Đạo học lớn cốt để biết phát huy đức sáng đức tốt đẹp của con người, đổi mới khiến lòng dân bỏ cũ theo mới, bỏ ác theo thiện, khiến mọi người đạt đến mức độ đạo đức hoàn thiện nhất. Có hiểu được phải đạt đến mức độ đạo đức hoàn thiện nhất thì mới kiên định chí hướng. Chí hướng kiên định rồi, tâm mới yên tĩnh. Tâm yên tĩnh rồi, lòng mới ổn định. Lòng ổn định rồi, suy nghĩ sự việc mới có thể chu toàn. Suy nghĩ sự việc chu toàn rồi, mới có thể xử lý, giải quyết công việc được thỏa đáng.

 

Vạn vật đều có đầu có đuôi, có gốc có ngọn. Vạn sự đều có bắt đầu và kết thúc. Biết làm cái gì trước cái gì sau, tức là đã tiếp cận với nguyên tắc của đạo rồi.

 

2. Thời cổ đại, phàm những thánh nhân muốn phát huy tính thiện của con người đến khắp thiên hạ, trước hết phải lãnh đạo tốt nước mình, bang mình.

 

Muốn lãnh đạo tốt nước mình, bang mình, trước hết cần chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc của mình.

 

Muốn chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc mình, trước hết phải tu dưỡng tốt phẩm đức bản thân mình.

 

Muốn tu dưỡng tốt phẩm đức bản thân mình, trước hết phải làm cho tâm tư của mình ngay thẳng, đoan chính. Muốn cho tâm tư của mình ngay thẳng, đoan chính, trước hết phải có ý nghĩ thành thật. Muốn có ý nghĩ thành thật, trước hết phải có nhận thức đúng đắn. Mà con đường nhận thức đúng đắn chính là nghiên cứu đến nơi đến chốn, lĩnh hội được cái nguyên lý của sự vật.

 

3. Có lĩnh hội được nguyên lý của sự vật, nhận thức mối đúng đắn, ý nghĩ mối thành thực. Ý nghĩ thành thực, tâm tư mới ngay thẳng. Tâm tư ngay thẳng, phẩm đức bản thân mới tu dưỡng tốt. Phẩm đức bản thân tu dưỡng tốt, mới chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc của mình. Chỉnh đôn tốt gia đình, gia tộc mình, mới lãnh đạo tốt nước mình. Lãnh đạo tốt nước mình, thiên hạ mới được thái bình (mới bình trị được thiên hạ).

 

4. Từ vua thiên tử đến người bình dân, ai ai cũng phải lấy tu dưõng phẩm đức làm gốc.

 

Một cây, cái gốc đã mục nát rồi, mà cái ngọn còn tốt tươi là điều không thể có. Xem nhẹ cái căn bản đáng phải xem trọng, coi trọng cái chi tiết vốn là thứ yếu, xưa nay chưa từng có bao giờ.

 

Trên đây là bài kinh gồm những nguyên tắc và lời bàn luận của Khổng Tử do học trò là Tăng Tử truyền lại bằng miệng. Còn mười chương tiếp theo là kiến giải của Tăng Tử, do học trò của Tăng Tử ghi chép lại.

 

Lời bình:

 

Cương lĩnh “trị quốc bình thiên hạ” do Nho gia đề xướng, là “tam cương, bát mục”.

 

“Tam cương” là ba cương lĩnh:

- Minh minh đức.

- Tân dân.

- Chỉ ư chí thiện.

 

“Minh minh đức” là phát huy đức sáng, tính tốt, tính thiện của nhân dân, yêu cầu giai cấp thổng trị phát huy quan niệm đạo đức, luân lý truyền thống Nho gia để duy trì trật tự xã hội, đề xưóng thực hành đường lối đức trị.

 

“Tân dân” là đổi mới lòng dân, đổi mới cách suy nghĩ của dân, bỏ cũ thay mới , bỏ ác theo thiện, yêu cầu mọi người thực hiện đạo đức của Nho gia, phát huy cao độ đạo đức trời đã phú cho con người lúc mới sinh để làm thay đổi tư tưỏng con người, khiến mọi người có thể từ bỏ điều xấu mà làm điều tốt, từ bỏ điều ác mà làm điều thiện.

 

“Chỉ ư chí thiện” là đạt đến đạo đức hoàn thiện nhất. Nho gia cho rằng chỉ khi nào việc tu dưỡng đạo đức của con người đạt đến mức độ hoàn thiện nhất, thì nước mới được hưng thịnh phát đạt, không còn tiềm ẩn nguy cơ bị diệt vong.

 

“Bát mục” là tám bước cụ thể để thực hiện ba cương lĩnh nói trên. Đó là:

 

- Cách vật (nghiên cứu thấu đáo sự vật).

- Trí tri (hiểu biết sâu sắc, có kiến thức rõ rệt).

- Thành ý (có ý nghĩ thành thật với chính mình).

- Chính tâm (giữ lòng dạ ngay thẳng).

- Tu thân (sửa mình trở thành người tốt).  

- Tề gia (chỉnh đốn tốt việc nhà).

- Trị quốc (khiến cho đất nước yên ổn).

- Bình thiên hạ (khiến cho thiên hạ thái bình).

 

Trong tám bước đó, tu thân là gốc. Muốn tu thân, trước hết phải “cách vật trí tri”, nghĩa là phải nghiên cứu kỹ để hiểu cho hết cái nguyên lý của sự vật, tìm hiểu kỹ điều kiện khách quan, chủ quan, bản chất của sự vật để không ngừng nâng cao nhận thức đối với sự vật.

 

Nhận thức được thế giới khách quan, chủ quan của sự vật, hiểu được nguyên lý của sự vật, tiếp đó thực hiện được “thành ý”, “chính tâm”, “tu thân”, thì mọi người trong gia đình, gia tộc được yên ổn, hòa thuận.

 

Gia đình, gia tộc yên ổn, nước nhà sẽ yên ổn, thiên hạ sẽ thái bình.

 

Trong tám bước đó, bốn bước đầu nói về phương pháp tu thân, ba bước sau nói về mục đích của tu thân.

 

Tám bước này nhấn mạnh phải nâng cao nhận thức để phát huy đức sáng, tính thiện của con người, yêu cầu con người tự khôi phục lại bản tính thiện trời phú cho lúc mới sinh để phòng ngừa những sai lệch trong cảm tính cá nhân, những dục vọng sai trái, loại trừ những tình cảm không ổn định, theo đuổi đức sáng để tự hoàn thiện mình.

(Nguồn: Tứ thư-Trần Trọng Sâm, Kiều Bách Vũ Thuận biên dịch, Nhà xuất bản QĐND 2003)

| Trung tâm Tiếng Trung Ánh Dương