Ý thức về gia đình và cộng đồng trong học thuyết nhân văn nho giáo

09/08/2015 14:50
Nếu như triết học Ấn Độ chú ý tinh thần nội tại của bản ngã thì triết học Trung Quốc tập trung kiến giải vấn đề khoan dung con người và xã hội

MỐI QUAN HỆ GIỮA Ý THỨC VỀ GIA ĐÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG

TRONG HỌC THUYẾT NHÂN VĂN NHO GIÁO*

 

TS. Triệu Quang Minh

Nếu như triết học Ấn Độ chú ý tinh thần nội tại của bản ngã thì triết học Trung Quốc tập trung kiến giải vấn đề khoan dung con người và xã hội.Vì vậy, Trung Quốc rất coi trọng tinh thần nhân văn và sự tu dưỡng  đạo đức, nhấn mạnh hành vi cá nhân cùng với sự thống nhất hài hòa giữa vũ trụ và xã hội. Khi đi sâu vào nội dung của Nho giáo nguyên thủy có thể thấy rõ đặc điểm chung này của triết học Trung Quốc và tính tương liên giữa ý thức về gia đình và cộng đồng trong Nho giáo nguyên thủy. Bởi vì, con người luôn gắn với một tập thể, một cộng đồng song con người ấy không phải tồn tại như một thực thể chung chung, trừu tượng và thụ động mà nó được biểu hiện một cách cụ thể, sống động thông qua các giao diện khác nhau của đời sống cá nhân con người.

Tham khảo thêm bài viết: Phạm trù Nhân trong học thuyết nhân văn Nho giáo

Thực tế là, khi tham gia vào xã hội loài người, con người từ khởi thủy đã tự tách mình ra để đứng ở một cấp bậc cao nhất trong bậc thang tiến hóa bởi chỉ có con người là có ý thức. Trong giới hạn của không gian sống, ý thức  được thể hiện thông qua cách con người đối xử với nhau, xử lý tình huống đã và đang phát sinh, suy xét về cái đã qua và cái sẽ đến. Tính lịch sử của ý thức gắn liền với bản chất phản ánh năng động sáng tạo của nó đối với tồn tại vật chất mà ở đó nó chịu sự quy định. Luận thuyết Nho giáo nguyên thủy cũng biểu hiện chính mối quan hệ biện chứng giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội của thời kỳ lịch sử mà nó phát sinh, tồn tại.

Thế cục rối ren làm cho lòng người bất ổn, đó là sự phản ánh, in dấu của hiện thực khách quan của thời Xuân Thu – Chiến Quốc vào trong ý thức con người. Hệ quả là dẫn đến hai trạng thái đối lập nhau: phản kháng hoặc tự vệ. Trước thực trạng đó, Nho giáo khuyên con người sống phải có trách nhiệm, phải có nghĩa vụ giúp đời, cứu người. Đồng thời, Nho giáo chủ trương duy trì và phát huy những nền tảng đã được xây dựng từ trước để kêu gọi con người tuân thủ lễ tắc, đối xử với nhau theo những khuôn khổ định trước. Cho nên, dễ hiểu được vì sao thầy trò Khổng Tử lại coi trọng gia đình, đạo đức, đề cao việc tu dưỡng, giáo dục thi cử theo lối pháp tiên vương.

Xử lý các mối quan hệ của con người để thể hiện tính người, tình người theo nguyên lý của triết thuyết Nho giáo đều quy về phạm trù Nhân.Trong khi ấy, “Cái nhân lấy tình máu mủ ruột thịt trong gia đình là lớn nhất, vì thế, hiếu đễ là gốc rễ của nhân. Lòng nhân ái bắt nguồn từ hiếu đễ, từ tình ruột thịt. Con người mà không có hiếu đễ, không có tình máu mủ ruột thịt thì không thể có lòng nhân ái được. Mở rộng tư tưởng hiếu đễ trong gia đình ra đến người khác thì đó là trung với vua, giữ chữ tín với bạn bè, có lòng khoan dung rộng mở với mọi người, biết suy bụng mình ra bụng người, được cho mình thì cũng phải nghĩ được cho cả người khác nữa, biết tự kiềm chế những ham muốn của bản thân để giữ tròn lễ nghĩa. Tất cả những điều đó đều là những biểu hiện của lòng nhân ái tức tình yêu thương con người”[1].

Hiếu đễ là gốc của lòng nhân ái song bản thân phạm trù hiếu cũng giống như nhiều phạm trù đạo đức khác, nó không có nội hàm và ngoại diên đóng. Có lẽ đó là lý do vì sao khi Tử Du hỏi về đạo hiếu, Khổng Tử trả lời: “Ngày nay người ta thấy ai nuôi được cha mẹ thì gọi là người có hiếu. Nhưng đến như chó ngựa, thì người ta cũng nuôi được đấy. [Cho nên nếu nuôi cha mẹ mà] chẳng kính trọng thì có khác gì nuôi thú vật đâu? (vậy hiếu là phụng dưỡng cha mẹ với lòng kính trọng)[2]. Tử Hạ hỏi về đạo hiếu, Khổng Tử nhấn mạnh nói: “Khó nhất là giữ được vẻ mặt hòa vui. [Chứ còn như] cha anh có việc mà con em chịu khó nhọc làm giúp, hay mình có rượu có thức ăn thì đem mời cha anh ăn cỗ, như vậy mà đã gọi là hiếu được sao?”[3]. Sách Lễ Ký chép: Xuyết thúc ẩm thủy, tận kỳ hoan, tư chi vị hiếu. Nghĩa là, nuôi cha mẹ cốt ở sự thành kính, dẫu cho phải ăn gạo hỏng, uống nước lã mà làm cha mẹ hết được cái vui, ấy gọi là hiếu. Như thế có thể thấy hàm ý trong từng lời dạy của Khổng Tử đã nhấn mạnh đến lòng kính trọng và coi việc kính trên (trực tiếp là kính trọng cha mẹ) là cách ứng xử để thấy rằng con người thực sự cao hơn con vật. Nuôi cha mẹ, lẽ tất nhiên là phải phụng dưỡng nhưng nếu nuôi mà không kính thì có khác gì nuôi chó ngựa. Về sau, Tuân Tử cũng tiếp nối quan điểm này của Khổng Tử và nhấn mạnh: “Cầm thú có cha con mà không có tình phụ tử, có giống đực giống cái mà không có nghĩa lứa đôi. Cho nên đạo làm người phải biết biền biệt”[4].

Động vật cũng có mối quan hệ giống loài, trong phạm vi giống loài đó mà xét, nó cũng có gia đình, cũng chăm sóc và phản kháng quyết liệt để bảo vệ con cái song đó là phản xạ bản năng. Đến một giai đoạn nào đó, thường là vào lúc con non trưởng thành, mối liên hệ sẽ bị chặt đứt và thay thế bằng quan hệ đồng loại đơn thuần. Còn đối với con người, cha mẹ luôn chăm sóc và dạy dỗ con cái, con cái luôn hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ… gia đình là nơi sinh ra, nuôi dưỡng, trưởng thành và cuối cùng là nơi trở về an toàn của họ. “Hơn thế nữa, từ tính người ấy sẽ dẫn thẳng tới tình người, tới quan hệ nhân loại, bắt đầu từ trong gia đình. Thiếu điểm xuất phát này con người sẽ không trở thành người được. Bởi vì gia đình và trong quan hệ gia đình, con người mới có thể tiến tới một hình thái chắc chắn nhất cho thân phận mình. Gia đình cũng chính là hình thái căn bản nhất để tạo thành mọi hình thái xã hội. Tình yêu gia đình là mầm mống duy nhất để phát triển thành tình yêu quê hương và các đức tính nhân ái xã hội khác”[5]. Dưới lăng kính khách quan, ý thức về gia đình trong nội dung Nho giáo nguyên thủy chưa đạt đến được giới hạn ngôn ngữ hiện đại với tư cách xem gia đình là tế bào của xã hội. Tuy thế, tự bản thân nó đã xác lập cho gia đình một vị trí quan trọng góp phần vào việc tạo ra thế cục ổn định trong thời kỳ đầy biến loạn của lịch sử. Quan điểm của Nho giáo nguyên thủy ở khía cạnh tính người, tính cộng đồng  như trên thể hiện một tinh thần nhân văn. Bởi vì, người cần đối xử với người trên nguyên tắc của con người, bằng không cuộc sống có khác gì quan hệ đồng loại của loài chó ngựa đâu. Không những thế, bản thân con người luôn phải thấy được tính liên tục của lịch sử, tính tiếp nối của các thế hệ, tính kế thừa của ý thức ở cả ba không gian: quá khứ, hiện tại, tương lai.. Làm người, không chỉ có trách nhiệm đối với thế hệ sinh thành đi trước mà còn có trách nhiệm đối với thế hệ đi sau. Sống và cư xử như thế nào để các thế hệ con cháu nhìn vào dường như cũng góp phần định vị quy phạm thái độ giữa người với người. Về vấn đề này, Hữu Tử nhắc nhở: “Lời hứa mà gần hợp với nghĩa, thì có thể làm được như lời. Cung kính gần hợp với lễ, thì tránh xa được sỉ nhục. Không thất lễ với người thân thì có thể làm chủ [gia đình][6].

Chính Sách Lễ Ký, mục Tế nghĩa cũng đã trích lời của Khổng Tử: “Thiết lập một xã hội mọi người yêu thương nhau phải bắt đầu từ việc mình yêu thương cha mẹ mình thì mới dạy cho nhân dân cư xử hòa mục với nhau được. Thiết lập một xã hội về tính thần kính trọng phải bắt đầu từ việc mình thể hiện sự kính trọng cha anh mình, thì mới dạy nhân dân thuận hào với nhau được. Lấy tấm lòng yêu thương rộng rãi mà dạy nhân dân thì người ta biết quý cha mẹ mình. Lấy tinh thần kính trọng các bậc trưởng thượng mà dạy nhân dân thì người ta biết quý mệnh lệnh. Thờ cha mẹ có hiếu thì mọi người chấp hành mệnh lệnh, khắp trong thiên hạ không gì không thực hiện được”[7]. Về sau, Mạnh Tử cũng chỉ ra rằng: “Người quân tử đối với loài vật, cảm mến mà chẳng cư xử có nhân. Đối với người đời cư xử có nhân mà chẳng có thân cận. Người quân tử thân cận với cha mẹ bà con mình, kế cư xử có nhân với người đời. Người đem lòng nhân mà giúp đỡ cho bá tánh, kế mới tỏ lòng ái truất với loài vật”[8]. Ông còn giảng giải: “Người trí phải hiểu biết tất cả; nhưng trước hết nên hiểu biết những việc cần kíp. Người nhân phải yêu thương tất cả, nhưng trước hết nên yêu thương kẻ thân tộc và người tài đức”[9]. Ông cho rằng: “Nếu mỗi người đều thương yêu cha mẹ bà con mình, kính trọng bậc trưởng thượng của mình, tự nhiên thiên hạ sẽ được thái bình”[10].

Bởi vì, theo quan điểm Nho giáo sống là người thì phải gắn bó với cộng đồng, không thể sống riêng một mình (độc thiện kỳ thân). Sự cộng sinh của loài người khác với loài vật bởi vì con người có “chính danh”, “định phận”, biết phân biệt phải trái và tình cảm yêu ghét từ trong tầng sâu ý thức. Tùy theo việc khởi phát và bồi dưỡng sự yêu ghét mà tình cảm con người được thể hiện ra ở những tầng bậc khác nhau, nhưng bao giờ cũng bắt đầu từ những người thân trong gia đình rồi mới mở rộng phạm vi ra ngoài xã hội. Nhưng quan điểm Nho giáo nguyên thủy cũng không siêu hình, cực đoan tuyệt đối hóa danh giới giữa các mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội. Khổng Tử khẳng định: “Người có đức nhân không bao giờ lẻ loi, chắc chắn sẽ có bạn bè gần gũi”[11]. Luận Ngữ (Nhan Uyên) ghi lại câu chuyện giữa Tư Mã Ngưu và Tử Hạ: “Tư mã Ngưu lo lắng nói: “Người ta đều có anh em, riêng tôi không có. Tử Hạ nói, Thương này từng nghe: Chết sống có số mệnh, giàu sang là ở Trời. Người quân tử luôn kính cẩn, không sai trái;  đối với người thì khiêm cung và có lễ phép. Người trong bốn biển đều là anh em. Người quân tử lo gì không có anh em?”[12]. Đây là một cách nhìn xã hội rất tích cực, nhân văn của Khổng Tử khi ở vào thời đại của ông, chế độ tông pháp với yếu tố huyết thống vẫn đang chi phối căn bản mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Như vậy, đặc tả tầm quan trọng của ý thức về gia đình, đồng loại khiến cho con người có một điểm xuất phát hợp lý đầy tính nhân văn và một nơi trở về tương đối an toàn. Con người trong Nho giáo, theo đó, thuận với lẽ tự nhiên, gắn với cộng đồng chung, không dừng ở phạm vi hoàn thành trách nhiệm cá nhân trong gia đình (cao nhất là trách nhiệm báo hiếu) mà mở rộng ra với quốc gia xã tắc theo nguyên lý tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Quốc là gia phóng đại, vua là cha mẹ của dân, cho nên quan hệ giữa vua với bầy tôi giống như quan hệ thân thuộc không thể tách dời. Với phương pháp chuyển hiếu thành trung, gắn hiếu với đễ… Nho giáo nguyên thủy một mặt đề cao tột bậc giá trị chữ “hiếu”, coi đó là giá trị quan trọng nhất, gắn hiếu với kính, đễ, hòa hiếu với trung…để giải quyết các mối quan hệ giữa người với người. Mặt khác, Nho giáo sơ kỳ đã đặt cá nhân trong tập thể, cộng đồng và gắn chặt cá nhân với cộng đồng, đồng thời quy định hành động của họ bằng cách tạo ra sự liên thông giữa con người với con người. Theo đó, mỗi cá nhân cùng một lúc tham gia nhiều mối quan hệ, sự tham gia đó không những không tạo ra mâu thuẫn về mặt nguyên tắc mà còn tạo được hành lang bảo vệ tương đối an toàn để họ hoàn thành các trách nhiệm của mình. Đó là sự thể hiện của mối quan hệ biện chứng không thể tách rời giữa ý thức cá nhân và ý thức xã hội trong cùng một đối tượng. Cho nên, có thể nói, tư tưởng nhân bản của Nho gia Tiên Tần lấy sự tồn tại xã hội của con người làm tiền đề để nhận dạng về tồn tại cá nhân. Con người trong Nho giáo sơ kỳ được nhận diện, đánh giá thông qua cách ứng xử trong quan hệ giữa con người với nhau. Nói cách khác, chính trong quá trình xử lý các mối quan hệ mà tính người được khẳng định.

Ở khía cạnh khoa học, con người tự phân biệt được đẳng cấp của mình với động vật là vì con người có ý thức, có ý niệm về sự dịch chuyển không gian thời gian và các mối liên hệ xã hội mang tính tất yếu khách quan. Ngay trong các kinh điển của Nho giáo, tính xã hội của con người đã xem như một tiêu chí để xác định cấp bậc cao hơn so với cuộc sống đồng loại loài động vật. Tứ Thư chép: có người nói với học trò Khổng Tử - Tử Lộ rằng“khắp thiên hạ đều loạn lạc như nước đổ cuồn cuộn, các ngươi cùng chung sức với ai mà đổi đời loạn ra đời trị? Ngươi đi theo kẻ tị nhân [là Khổng Khâu kia], sao bằng đi theo kẻ tị thế? …Tử Lộ về thuật lại với Khổng Tử. Khổng Tử ngậm ngùi nói: Người ta không thể làm bạn với cầm thú. Nếu ta chẳng sống chung với con người [trong xã hội này] thì sống với ai?. Nếu thiên hạ thái bình (hữu đạo) thì ta đã chẳng cùng các ngươi đi mưu sự sửa đổi”[13].

Đồng quan điểm với Khổng Tử, Mạnh Tử cũng xem thái độ, trách nhiệm xã hội của con người là tiêu chí để phân biệt con người và con vật. Ông khẳng định: “Kẻ nào chẳng có lòng thương xót, kẻ ấy chẳng phải là người; kẻ nào chẳng có lòng hổ thẹn, kẻ ấy chẳng phải là người; kẻ nào chẳng có lòng khiêm nhượng, kẻ ấy chẳng phải là người; kẻ nào chẳng có lòng phải quấy, kẻ ấy chẳng phải là người”[14]. Cho nên, làm người, nhất là người quân tử ắt phải đứng ra gánh vác trách nhiệm với xã tắc. Nếu vô cảm, không có lòng thương xót, không biết hổ thẹn, không biết phải trái thì có khác gì loài vật? Bởi chăng, con người sống phải hợp quần, sống với nhau, phải mang bản tính xã hội. Chỉ có trong xã hội loài người, giá trị đích thực của con người mới được xác lập.

Mặc dù đồng quan điểm về tính xã hội song từ Khổng Tử đến Mạnh Tử, Tuân Tử cũng cho thấy nhiều quan điểm khác biệt.  Mạnh Tử đi từ quan điểm nhân luân cũng tức là quan hệ giữa người với người để khẳng định sự tồn tại của con người. Còn Tuân Tử thì chủ trương do con người tập trung xây dựng cuộc sống quần thể nên mới chiến thắng được các loài động vật khác (thiên Vương chế), cho nên con người không thể tách rời quần thể được. Nói cách khác, Mạnh Tử nhấn mạnh cộng đồng xã hội còn Tuân Tử nhấn mạnh lợi ích xã hội.

Nho giáo đã tạo ra sự tương thông giữa những phạm trù đạo đức để giải quyết được sự khoanh vùng trách nhiệm, tránh được sự mâu thuẫn giữa các giá trị đạo đức. Nhìn một cách biện chứng, mặc dù suốt một thời gian dài các triều đại phong kiến Trung Hoa đã sử dụng phương cách này để mê hoặc nhân dân và khiến cho họ bị nô dịch cả về nội tâm lẫn thể xác song nhờ thế mà cục diện xã hội được ổn định. Trong một chừng mực nào đó mà xét, hạn chế được thảm cảnh biến loạn thì cũng là không phải không có lợi cho dân.

 Với đặc trưng là một nền chính trị luân lý, lấy luân lý làm bản vị, có thể nói nền chính trị Trung Quốc thời kỳ này khiến cho con người dù tham gia hoạt động chính trị hay sinh hoạt thường ngày đều phục tùng chung một cơ chế tạo ra sự ổn định của một trật tự lễ giáo. Hẳn là Khổng Tử và các học trò của ông khi thực hiện sứ mệnh trình bày và ca ngợi tình cảm, nghĩa vụ nhân loại đã không hề ý thức được rằng nó trở thành công cụ hữu dụng để giúp kẻ thống trị duy trì và kéo dài sự thống trị của họ. Mặc dù vậy, có thể khẳng định rằng, tính tương liên giữa ý thức về gia đình và cộng đồng trong quan niệm của các nhà Nho nguyên thủy là một đóng góp quan trọng vào lịch sử tư tưởng nhân loại, một đặc tính nhân văn mang tính kế thừa cần được trân trọng.

Gắn liền ý thức đồng loại và ý thức gia đình, buộc mỗi con người đều phải hoàn thành các vai trò khác nhau, Nho giáo sơ kỳ thực sự đặt ý thức cá nhân và ý thức xã hội trong mối quan hệ không thể tách rời. Mặc dù, tính tương liên giữa ý thức cá nhân về gia đình và ý thức về cộng đồng trong quan niệm của Nho giáo nguyên thủy cũng chưa đạt đến tính phổ quát về trách nhiệm của cá nhân đối với tập thể, xã hội . Song có thể thấy trong luận thuyết Nho giáo nguyên thủy, nhờ tính tương liên này mà con người với tư cách là thành viên gia đình và xã hội luôn có lý do để tin tưởng rằng mình được bảo về khỏi sự đe dọa về tính mạng, về nhân phẩm, về sức khỏe cũng như được đảm bảo các các điều kiện khác để phát triển, nếu biết tuân thủ các nguyên tắc sẵn có. Nếu không tính đến hạn chế của các quy định mang tính lễ giáo khắt khe, bó buộc con người của luận thuyết Nho giáo thì có thể nói, ở khía cạnh tích cực mà nhận diện, Nho giáo đã tạo ra tâm lý an toàn cho cá nhân từ trong gia đình đến ngoài xã hội để họ có thể dốc hết sức mà thực hiện các trách nhiệm của mình.

 

* Tạp chí Giáo dục lý luận

[1] Trương Lập Văn (chủ biên), Đạo trong triết học phương Đông, Nxb KHXH, Hà Nội 1998, tr.68

[2] Viện nghiên cứu Hán Nôm, Tứ thư, Nxb. Văn học, Hà Nội. 2004,  tr 246

[3] Sđd tr 246

[4] Giản Chi – Nguyễn Hiến Lê, Tuân Tử, Nxb. Văn Hóa, Hà Nội. 1994, tr236

[5] Nguyễn Tài Thư, Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.38

[6] Viện nghiên cứu Hán Nôm, Tứ thư, Nxb. Văn học, Hà Nội. 2004, tr.226

[7] Tiêu Quần Trung, Chữ hiếu trong nền văn hóa Trung Hoa, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội. 2006, tr.225

[8] Đoàn Trung Còn (dịch): Mạnh Tử, quyển hạ , Trí đức tòng thơ, Sài Gòn 1950, tr 253

[9] Sđd,tr.253

[10]Sđd, tr23

[11] Viện nghiên cứu Hán Nôm, Tứ thư, Nxb. Văn học, Hà Nội. 2004, tr282

[12] Sđd, tr424

[13] Sđd, tr 543

[14] Đoàn Trung Còn dịch, Mạnh Tử, quyển thượng, Trí đức tòng thơ, Sài Gòn 1950, tr.104

| Trung tâm Tiếng Trung Ánh Dương