Cách học 214 bộ thủ tiếng Trung

07/03/2017 08:50
Cách học 214 bộ thủ tiếng Trung như thế nào. Làm sao học được 214 bộ thủ dễ dàng, nhanh chóng. Bài viết hôm nay sẽ giới thiệu tới các bạn một số phương pháp học bộ thủ trong tiếng Trung hiệu quả, nhanh chóng

 

Cách học 214 bộ thủ trong tiếng Trung

 

A, Khái quát về bộ thủ

1, Bộ thủ là gì?

Bộ Thủ là bộ kiện có tác dụng phân loại kiểu chữ, là chữ đầu tiên của các bộ trong từ điển. Theo Khang Hy tự điển (1716), Trung Hoa đại tự điển (1915), và Từ hải (1936) công nhận có 214 bộ. Trong các cuốn từ điển tiếng Trung, chữ Hán thường được quy lại thành từng nhóm theo bộ thủ, thứ tự của các bộ thủ căn cứ vào số nét. Bộ thủ đơn giản nhất chỉ có một nét, bộ thủ phức tạp nhất có 17 nét. 
 

2, Ý nghĩa, tác dụng của bộ thủ trong việc học chữ Hán

Dựa theo bộ thủ chúng ta có thể tra cứu chữ Hán một cách dễ dàng hơn. Khi gặp phải chữ Hán mà bạn không biết nghĩa và cách đọc của nó, bạn có thể dựa vào bộ thủ để tra từ điển, hiện nay các cuốn từ điển đều có phần tra cứu chữ Hán theo các bộ, các chữ Hán đều đã được phân loại  theo các bộ và việc của bạn là chỉ cần nhớ xem đó là bộ gì và giở trang chứa bộ đó để tra cứu thôi. Việc tra cứu bằng bộ thủ sẽ nhanh và thuận tiện hơn tra bằng nét, vì bạn phải mất thời gian để đếm nét chữ, và rất có thể bạn sẽ đếm sai. 

 

Việc học 214 bộ thủ giúp người học tiếng Trung dễ dàng ghi nhớ chữ Hán hơn. Hầu hết các bộ thủ đều có tác dụng biểu nghĩa, ví dụ như tất cả những chữ 热 /rè/:nhiệt, nóng , 煎 /jiān/: chiên, rán, 煮 /zhǔ/: nấu, luộc, 焦 /jiāo/: cháy khét, 熬 /áo/: hầm, sắc, 熟 /shú/shóu/: chín, quen thuộc, tất cả những chữ này đều có bộ Hỏa “灬” vậy nên đều có liên quan đến lửa. Tương tự như vậy những chữ có liên quan đến nước sẽ có bộ ba chấm thủy như 泪 /lèi/: nước mắt, 汗 /hàn/: mồ hôi, 河 /hé/: sông , 江 /jiāng/: sông( lớn hơn 河), 汁 /zhī/: nước ép. Hay những chữ có liên quan đến miệng sẽ có bộ Khẩu 口, ví dụ:  吃 /chī/: ăn ,喝 /hē/: uống, 骂 /mà/: mắng , chửi , 问 /wèn/: hỏi , 咬 /yǎo/: cắn. Như các bạn đã thấy thì dựa vào bộ thủ chúng ta có thể đoán được chữ Hán này có liên quan đến cái gì. 

 

B, Cách viết các bộ thủ

Để viết được bộ thủ cũng như chữ Hán, chúng ta cần nắm được các nét và quy tắc viết chữ Hán.

Các nét cơ bản trong chữ Hán bao gồm 8 nét cơ bản lần lượt là: Ngang (一), Sổ (丨) , Phẩy (丿),  Chấm (丶), Mác (㇏), Gập (乛), Móc (亅), Hất (㇀)

Quy tắc viết chữ Hán: 7 quy tắc cơ bản


- Ngang trước sổ sau: viết các nét ngang trước sau đó viết các nét sổ, ví dụ như 十, 王 , 干
- Phẩy trước mác sau: viết các nét phẩy trước rồi viết các nét mác sau, ví dụ như 人, 八, 入
- Trên trước dưới sau: viết lần lượt từ trên xuống dưới, ví dụ như  三,  竟,  音
- Trái trước phải sau: viết các nét bên trái trước rồi đến các nét bên phải, ví dụ như: 利, 礼,  明, 湖
- Ngoài trước trong sau: ví dụ như 问, 同, 司
- Vào trong trước đóng cửa sau: viết xong bên trong rồi mới đóng lại, ví dụ như:  国,  圆,  园,  圈
- Giữa trước hai bên sau: ví dụ như 小, 水

 

C, Cách học các bộ thủ tiếng Trung

Khi học bộ thủ ta cần nhớ được cách viết, tên Hán Việt của các bộ thủ, ví dụ: bộ Khẩu 口bộ Nhân đứng 亻, bộ Thổ 土,bộ Lực 力, bộ Miên 宀,...Và đặc biệt chúng ta cũng cần phải hiểu được ý nghĩa của các bộ thủ, việc hiểu ý nghĩa của các bộ thủ giúp bạn ghi nhớ các bộ thủ lâu hơn, hiểu, lí giải và đoán được nghĩa của các chữ Hán, điều này giúp cho việc học chữ Hán trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Ví dụ như những chữ Hán nào chứa bộ ba chấm thủy thì sẽ có liên quan đến nước: 汗, 河, 江,... những chữ Hán có liên quan đến lời nói thì sẽ có bộ Ngôn: 话,说,讲, ...Những chữ Hán có liên quan đến tay, động tác của tay thường sẽ có bộ Tài Gẩy: 提, 打, 找,...

Ngoài ra chúng ta cũng nên nhớ thêm vị trí thường đứng của các bộ thủ trong chữ Hán. Vị trí của các bộ thủ không cố định mà nó biến đổi linh hoạt trong từng chữ, có thể ở bên trái, bên phải, bên trên, bên dưới hoặc bao xung quanh. Cùng xem ví dụ dưới đây:

- Bộ thủ ở bên trên: trong chữ 家 bộ Miên (宀) nằm bên trên. Các bộ thủ thường nằm bên trên: bộ Miên (宀), bộ Quảng (广), bộ Thi (尸),bộ Thảo đầu (艹 ),...
- Bộ thủ ở bên dưới: trong chữ 想 bộ Tâm (心) nằm ở bên dưới, trong chữ 尘  bộ Thổ (土) cũng nằm bên dưới,.. Các bộ thủ thường nằm bên dưới: bộ Hỏa (灬), bộ Tâm (心),...
- Bộ thủ ở bên trái: trong chữ 说 bộ Ngôn (讠) nằm bên trái, trong chữ 打 bộ Tài Gẩy (扌) cũng nằm bên trái,… Các bộ thường nằm bên trái gồm có : bộ Ngôn 讠, bộ Tfai Gẩy 扌, bộ Nhân đứng 亻, bộ Dẫn 廴, bộ Quai Xước 辶, bộ Nhân kép 彳, bộ Thực 饣, bộ Tâm đứng 忄,…
- Bộ thủ ở bên phải: trong chữ 我 bộ Qua戈 nằm bên phải, trong chữ 吗 bộ Mã(马) cũng nằm bên phải,... Các bộ thủ thường nằm bên phải: bộ Qua戈, ...
- Bộ thủ ở bên ngoài: Trong chữ 同, bộ Quynh (冂) bao bên ngoài, trong chữ 问 thì bộ Môn (门) cũng nằm bao bên ngoài,... các bộ thủ thường nằm bên ngoài: bộ Quynh (冂),bộ Môn (门), bộ Vi (囗),...

 

Học bộ thủ quả hình ảnh: Tiếng Trung thuộc loại chữ tượng hình nên việc học các chữ qua những hình ảnh tương quan tương đồng với chữ hay tương đồng với ý nghĩa của chữ là khá phổ biến. Việc học chữ qua hình ảnh sẽ giúp cho người học nhớ được nhanh hơn, nhớ được lâu hơn. Ví dụ ta có thể học các bộ thủ bộ Mộc, bộ Thủy, bộ Kim, bộ Hỏa, bộ Thổ qua các hình ảnh bên dưới

 

 

 

 

 

Học bộ thủ qua thơ: Chúng ta cũng có thể học các bộ thủ qua bài thơ diễn thủ ca. Để tải toàn bộ bài thơ 214 bộ thủ các bạn vào link https://goo.gl/zMG16m. Tiếng Trung Ánh Dương giới thiệu sơ lược với các bạn 10 câu đầu tiên trong bài thơ về 214 bộ thủ tiếng Trung

 

1. MỘC (木) – cây, THỦY (水) – nước, KIM (金) – vàng
2. HỎA (火) – lửa, THỔ (土) – đất, NGUYỆT (月)- trăng, NHẬT (日) – trời
3. XUYÊN (川) – sông, SƠN (山) – núi, PHỤ (阜) – đồi
4. TỬ (子) – con, PHỤ (父) – bố, NHÂN (人) – người, SỸ (士) – quan
5. MIÊN (宀) – mái nhà, HÁN (厂) – sườn non
6. NGHIỄM (广) – hiên, HỘ (戶) – cửa, cổng – MÔN (門), LÝ (里) – làng
7. CỐC (谷)- thung lũng, HUYỆT (穴)- cái hang
8. TỊCH (夕) – khuya, THẦN (辰) – sớm (4), Dê – dương (羊), HỔ (虍) – hùm
9. NGÕA (瓦) – ngói đất, PHẪU (缶) – sành nung
10. Ruộng – ĐIỀN (田), thôn – ẤP 邑 (5), què – UÔNG (尢), LÃO (老) – già

 

Để nhớ được các bộ thủ không còn cách nào khác ngoài chăm chỉ viết nhiều và đọc nhiều. Việc viết nhiều ở đây không phải là bạn cứ cắm đầu cắm cổ chép đi chép lại giống như chép phạt mà hãy ghép bộ thủ thành chữ Hán để có thể nhớ lâu hơn. Ngoài ra bạn cũng không cần thiết phải nhớ hết toàn bộ 214 bộ thủ (nếu nhớ được là tốt, tuy nhiên rất ít người có thể nhớ hết được toàn bộ 214 bộ thủ này), bạn chỉ cần nhớ được các bộ thủ cơ bản thường gặp là ổn rồi. Chúc các bạn học tốt!

| Trung tâm Tiếng Trung Ánh Dương