Tìm hiểu về Tết thần tài ở Trung Quốc
Tết thần tài là ngày kỉ niệm sinh nhật của thần tài. Theo quan niệm của người Trung Quốc, Thần Tài là vị thần cai quản mọi việc làm ăn, kinh doanh, buôn bán, tài chính, tiền của của gia chủ. Do đó người dân Trung Quốc, đặc biệt là những người kinh doanh, buôn bán rất coi trọng ngày này. Không giống với Việt Nam đón ngày Thần Tài vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm, người dân Trung Quốc mừng sinh nhật thần tài vào ngày mùng 5 Tết, và vào ngày này họ không đi mua vàng giống như ở Việt Nam, người dân Trung Quốc thường mua hương, đi lễ bái, nhận lì xì từ các "ông" Thần Tài để lấy vía cho năm mới may mắn, phát tài. Vào ngày này cũng có rất nhiều hoặt động lễ hội vui nhộn diễn ra trên khắp đất nước trung Quốc.
Tết Nguyên tiêu ở Trung Quốc
Ngày tết Trùng Cửu ở Trung Quốc
Tết truyền thống Trung Quốc
Tục thờ thần tài vốn bắt nguồn từ Trung Quốc, có rất nhiều sự tích xoay quanh nguồn gốc của ngày thần tài. Về việc thần tài là ai cũng có rất nhiều truyền thuyết. Sau đây là một số truyền thuyết về thần tài:
- Câu chuyện được biết đến nhiều nhất là câu chuyện kể về Triệu Công Minh, người đã giúp Khương Tử Nha đánh Trụ Vương. Sau khi tử trận, Triệu Công Minh được phong làm Chính Nhất Long Hồ Huyền chân quân, thống lĩnh bốn vị thần trên trời là Chiêu Bảo – Nạp Trân – Chiêu Tài – Lợi Thị gọi là Ngũ Lộ tài thần. Vì thế mà ông được cho giữ chức vụ cai quản tiền bạc, của cải.
- Một truyền thuyết khác nói rằng ông là một người dân ở núi Võ Đang, Trung Quốc. Ngày ngày, ông xách giỏ đi khắp nơi xin quần áo cũ để mặc và xin cơm canh thừa để ăn. Dù nghèo nhưng ông vẫn nuôi một con chó đen già và một con vịt lông vằn không đẻ trứng.
Gần đó có một ông phú hộ là Tiền Viên Ngoại, xa xỉ và bất nhân, cơm ăn không hết thì đem đổ xuống cống, áo mặc cũ rồi thì bỏ vào đống rác. Ông lão họ Triệu thấy vậy mới lượm gom hết các quần áo cũ đem phân phát cho những người nghèo, lấy cơm canh thừa ấy về nuôi chó và vịt.
Bỗng một hôm, con vịt đẻ ra 10 quả trứng vàng, còn con chó già thì khạc ra 10 thỏi bạc. Từ đó thành lệ, mỗi ngày vịt và chó đều đẻ và khạc ra vàng bạc cho ông.
Triệu Công Minh trở nên rất giàu có, trong lúc Tiền Viên Ngoại thì càng lúc càng nghèo. Một thời gian sau, Tiền Viên Ngoại phải đi ăn xin, khi gặp lại Triệu Công Minh, lão Viên cảm thấy rất xấu hổ nhưng ông Triệu thông cảm, giúp cho lão Viên một số tiền kha khá, đủ làm vốn liếng làm ăn.
Tuy nhiên, vì đã quen sống sung sướng không phải lao động, chẳng làm ăn đươc gì, chẳng mấy chốc Tiền Viên Ngoại đã hết sạch cả vốn liếng. Lão Viên lại sinh ác tâm, thấy ông Triệu giàu như vậy bèn tính giết ông để chiếm đoạt tài sản.
Lão Viên thừa lúc vắng vẻ, lén đốt nhà của Triệu Công Minh cháy thành tro, nhưng ông Triệu không chết, con vịt biến thành chim phụng bay vút lên trời, con chó già biến thành con cọp đen xông ra cắn chết lão Viên, tất cả vàng bạc của ông Triệu đều hóa thành đá, và Triệu Công Minh biến thành thần tài.
Từ đó, dân chúng lập miếu thờ Triệu Công Minh gọi là miếu thần tài.
- Thủ Tài Chân Quân: Tỉ Can trong Phong thần diễn nghĩa, là trung thần của triều Thương, bị Trụ vương mổ tim mà chết. Vũ Vương thắng nhà Ân, Khương Thái Công phong Tỉ Can là Văn Khúc Tinh Quân, Đạo giáo tôn ông là Thủ Tài Chân Quân. Dân gian cho rằng Tỉ Can không có tim nên không thiên vị, tôn là tài thần, cũng nhân vì Tỉ Can là một văn thần, nên cũng được gọi là “Văn Tài Thần”.
- Tăng Phúc Chân Quân: quan viên Lí Quỷ Tổ thời Hiếu Văn Đế triều Bắc Nguỵ yêu dân như con, thường lấy bổng lộc bố thí cho dân nghèo được dân vô cùng kính mến. Sau khi mất, ông được tôn làm Tài Thần.
- Thổ Địa Thần: đại bộ phận người Đài Loan cho rằng, Thổ Địa Thần có thể mang lại tài phú cho dân. Hồng Kong cũng có tập tục thờ Thổ Địa Tài Thần.
- Quan Vũ: truyền thuyết cho rằng Quan Vũ sở trường về cách ghi chép sổ sách, có thể bảo vệ lợi ích của thương nghiệp, tại Đài Loan, Hương Cảng, Nam Dương tương đối phổ biến. Cũng nhân vì Quan Vũ là một võ tướng, nên cũng được gọi là “Võ Tài Thần”.
- Phạm Lãi: chính trị gia nước Việt, về sau từ quan chuyên kinh thương làm giàu, hiệu xưng là “Đào Chu Công”.
Các hoạt động trong ngày lễ thần tài
Vào ngày thần tài, người dân Trung Quốc thường đi lễ để cầu may, họ tổ chức các nghi thức truyền thống để cầu may mắn, bình an và tài lộc cho năm mới như nhận lì xì từ thần tài hoặc sờ vào thỏi vàng do thần tài đưa. Các lễ hội đón Thần Tài cũng được tổ chức khắp mọi miền đất nước Trung Quốc. Sự kiện này được tổ chức vào mùng 5 Tết Nguyên đán hàng năm, đánh dấu ngày sinh của Thần Tài theo quan niệm Trung Quốc. Vào ngày này, người dân sẽ dậy sớm làm cơm cúng, dọn dẹp nhà cửa, mở hết cửa lớn cửa nhỏ, treo đèn lồng mời thần tài vào nhà. Sau khi làm cơm cúng xong họ sẽ đốt pháo hoa trước cửa để nghênh đón thần tài (tuy nhiên tục lệ này đã bị cấm do dốt pháo hoa quá nhiều gây ô nhiễm không khí). Sau đó họ sẽ đến các đền thần tài để thắp hương, cúng bái để cầu bình an, hạnh phúc, công việc suôn sẻ, nhiều lộc may mắn trong năm mới cho mình và gia đình, nhiều người còn cầu mong có con trong năm. Ngoài ra ngày này, Người miền Bắc thường ăn sủi cảo, còn người miền Nam ăn đậu phụ, hy vọng năm mới gia đình hạnh phúc, làm ăn phát đạt. Các cửa hàng kinh doanh của Trung Quốc cũng chọn ngày này để mở hàng lấy may và phát lì xì cho khách hàng và nhân viên, đây cũng là ngày đẹp để khai trương cửa hàng, công ty.
Từ vựng có liên quan ngày tết thần tài
- 节日:/jié rì/ : ngày lễ Tết
- 中国传统节日:/zhōng guó chuán tǒng jié rì/ :ngày lễ truyền thống của Trung Quốc
- 财神节:/cái shén jié /:Tết thần tài
- 节日起源:/jié rì qǐ yuán/ : khởi nguồn của ngày lễ, nguồn gốc ngày lễ
- 节日活动:/jié rì huó dòng/ : hoạt động ngày lễ
- 发财:/fā cái/ :phát tài
- 祭祀:/jì sì/ : thờ cúng, lễ bái
- 供奉: /gōng fèng/ : thờ cúng
- 纪念日:/jì niàn rì/ : ngày kỉ niệm, ngày tưởng niệm
- 挂灯笼:/guà dēng long/ : treo đèn lồng
- 保佑:/bǎo yòu/ : phù hộ, ban phúc
- 财运:/cái yùn/ : tài vận