Những lời dạy của Khổng Tử về đạo làm người
Lịch sử tư tưởng Trung Quốc rất phong phú. Từ rất sớm, người Trung Quốc đã đưa ra những quan điểm để giải thích thế giới. Và trong những trường phái tư tưởng Trung Quốc thời cổ trung đại, thì Nho giáo là trường Phái tư tưởng quan trọng nhất. Người đặt cơ sở đầu tiên của Nho gia là Khổng Tử, sống vào thời Xuân Thu. Trong bài học ngày hôm nay, chúng ta hãy cũng tìm hiểu về Khổng Tử và những lời răn dạy ông để lại cho hậu thế nhé!
Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ
I. Đôi nét về Khổng Tử (孔子)
Khổng Tử (551 – 479 TCN) tên là Khâu (丘), hiệu là Trọng Ni (仲尼), người nước Lỗ (ở tỉnh Sơn Đông ngày nay). Ông là một nhà tư tưởng lớn và là một nhà giáo dục lớn đầu tiên của Trung Quốc cổ đại. Khổng Tử có làm một số chức quan ở nước Lỗ trong vài năm, nhưng phần lớn thời gian trong cuộc đời của ông là đi đến nhiều nước để trình bày chủ trương chính trị của mình và mở trường dạy học. Tương truyền, số học trò của Khổng Tử có đến 3000 người, trong đó có 72 người thành đạt, sử sách thường gọi là thất thập nhị hiền (七十二贤).
Đồng thời với việc dạy học, Khổng Tử còn chỉnh lý các sách Thi (诗), Thư (书), Lễ (礼), Nhạc (乐), Dịch (易), Xuân Thu (春秋), trong đó sách Nhạc bị thất truyền, 5 quyển còn lại về sau trở thành 5 tác phẩm kinh điển của Nho gia được gọi chung là Ngũ kinh (五经).
Những lời nói của Khổng Tử và những câu hỏi của học trò của ông được chép lại thành sách Luận ngữ (论语). Đó là tác phẩm chủ yếu để tìm hiểu tư tưởng Khổng Tử.
II. Một số lời dạy của Khổng Tử
1. “Quân tử chu nhi bất tỷ; tiểu nhân tỷ nhi bất chu”
君子周而不比,小人比而不周
(Jūnzǐ zhōu ér bùbǐ, xiǎo rén bǐ ér bù zhōu)
Ý nghĩa: Người quân tử tôn trọng giá trị của mọi người, yêu thương mọi người không phân biệt thân sơ, giàu nghèo, sang hèn…; cho nên người quân tử cư xử đồng đều với mọi người, không thiên vị ai. Trái lại, kẻ tiểu nhân chỉ tôn trọng, yêu thương những người cùng phe, cùng cánh với mình, cùng chung quyền lợi với mình. Vì thế, kẻ tiểu nhân không hành động vì lợi ích chung, mà chỉ về hùa với những kẻ hợp ý mình mặc dù những kẻ ấy hành động xấu.
2. “Bất hoạn nhân tri bất kỷ tri, hoạn kỳ bất năng dã”
不患人之不己知,患其不能也
(Bù huàn rén zhī bù jǐ zhī, huàn qí bùnéng yě)
Ý nghĩa: Chẳng lo người không biết mình, chỉ lo mình không biết phân biệt người hay người dở.
3. “Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi”
老者安之,朋友信之,少者懷之
(Lǎozhě ānzhī, péngyǒu xìnzhī, shǎo zhě huái zhī)
Ý nghĩa: Lấy sự yên vui để đối đãi người già cả, lấy chữ tín để đối đãi bạn bè, lấy sự yêu mến để đối đãi con trẻ. Câu nói này của Không Tử nhằm nhắc nhở con người ta về cách đối nhân xử thế.
4. “Nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân, hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn”
入则孝, 出则悌,谨而信,汎爱众而亲仁,行有餘力,则以学文
(Rù zé xiào, chū zé tì, jǐn ér xìn, fàn ài zhòng ér qīn rén, xíng yǒu yúlì, zé yǐ xué wén)
Ý nghĩa: Ở nhà phải hiếu thuận với cha mẹ, ra ngoài tôn kính người hơn tuổi, cẩn thận giữ điều tín, gần gũi thân cận với người nhân đức, làm những điều này mà còn dư sức lực thì học tập tri thức nữa.
5. “Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên. Trạch kỳ thiện giả nhi tòng chi, kỳ bất thiện giả nhi cải chi”
三人行,必有我师焉。择其善者而从之,其不善者而改之
(Sān rénxíng, bì yǒu wǒ shī yān. Zé qí shàn zhě ér cóng zhī, qí bùshàn zhě ér gǎi zhī)
Ý nghĩa: Trong ba người cùng đi đường, nhất định có một người mà mình đáng học tập. Hãy lựa chọn ưu điểm của họ để tăng cường học tập, phát hiện ra nhược điểm của họ để loại bỏ, từ đó có thể sửa đổi mình, hoàn thiện nhân cách mình.
6. “Quân tử cố cùng, tiểu nhân cùng tự lạm hĩ”
君子固穷,小人穷斯滥矣
(Jūnzǐ gù qióng, xiǎo rén qióng sī làn yǐ)
Ý nghĩa: Người quân tử gặp khốn khó thì cố chịu đựng; kẻ tiểu nhân gặp khốn khó thì phóng túng, làm liều.
7. “Quân tử thản đãng đãng, tiểu nhân trường thích thích”
君子坦荡荡,小人长戚戚
(Jūnzǐ tǎndàng dàng, xiǎo rén zhǎng qī qī)
Ý nghĩa: Người quân tử thì thản nhiên, thư thái; kẻ tiểu nhân thường hay lo lắng, ưu sầu. Hay cũng có thể nhận thấy rằng, người quân tử không lo không sợ, còn kẻ tiểu nhân thì luôn thấp thỏm lo âu.
8. “Quân tử cầu chư kỷ, tiểu nhân cầu chư nhân”
君子求诸己,小人求诸人
(Jūnzǐ qiú zhū jǐ, xiǎo rén qiú zhū rén)
Ý nghĩa: Người quân tử trách mình, tiểu nhân trách người. Câu nói này là quan điểm của Khổng Tử về vấn đề tại thời điểm phát sinh mâu thuẫn, nên chỉ trích khuyết điểm và sai lầm của người khác hay là tự nhìn nhận lại thiếu sót của bản thân mình.
Vừa rồi, chúng ta đã cũng nhau tìm hiểu về Khổng Tử và một số lời dạy của Khổng Tử về đạo làm người. Cảm ơn các bạn đã theo dõi và đừng quên đón chờ những chủ đề thú vị tiếp theo của Tiếng Trung Ánh Dương nhé!